Bắt đầu tẩy rửa dioxin khu vực sân bay Đà Nẵng

Ngày 9/8, Bộ Quốc phòng Việt Nam phối hợp cùng Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) khởi công hạng mục đầu tiên của Dự án Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng.

 

Khởi công hạng mục đầu tiên của Dự án Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng.
(Ảnh: Chinhphu.vn)

Dự án là công trình làm sạch đất và trầm tích nhiễm dioxin vĩnh viễn đầu tiên tại Việt Nam, là tiền đề để tiến hành thực hiện tẩy rửa dioxin ở các khu vực phơi nhiễm nặng khác như sân bay Biên Hòa, Phù Cát…

Lễ khởi công hạng mục đào xúc và vận chuyển lượng đất, bùn và trầm tích phơi nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng diễn ra dưới sự chứng kiến của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam David B. Shear.

Cùng với sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) và Phù Cát (Bình Định), sân bay Đà Nẵng được sử dụng làm nơi lưu chứa, pha chế và tổ chức các chuyến bay phun rải chất diệt cỏ trong chiến tranh nên trở thành các điểm nóng về ô nhiễm dioxin. Sau nhiều năm, các chất độc đã và đang lan tỏa, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và môi trường sinh thái.

Được Chính phủ giao trách nhiệm chính, những năm qua, Bộ Quốc phòng cùng các tổ chức trong nước và quốc tế đã nỗ lực khoanh vùng, hạn chế lan toả tạm thời dioxin.

Tuy nhiên việc xử lý ô nhiễm chất độc này còn gặp rất nhiều khó khăn. Phạm vi và mức độ ô nhiễm tại nhiều khu vực chưa được đánh giá chính xác, một số khu nhiễm mới vẫn đang được phát hiện và chưa có những giải pháp xử lý triệt để.

Dự án được triển khai từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành vào năm 2016 với tổng mức đầu tư do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ không hoàn lại thông qua USAID là 41 triệu USD và 35 tỷ đồng do phía Việt Nam đối ứng.

Tổng diện tích đào xúc là 191.400 m2, với tổng khối lượng 72.900 m3. Các công nhân sẽ đào xúc đất, bùn và trầm tích bị ô nhiễm, vận chuyển tập trung để xử lý bằng công nghệ khử hấp thu nhiệt. Tại đây, ở nhiệt độ 300-350oC, sau khi qua 1.254 giếng truyền nhiệt, dioxin trong đất được tách bóc và phân hủy thành cacbon dioxit, nước và clorua.

Công nghệ mới nhất trong xử lý dioxin sẽ làm cho bùn, đất trở nên an toàn đối với con người sinh sống và làm việc trong khu vực này, đạt các tiêu chuẩn của Việt Nam – Hoa Kỳ.

Dự án được lập kế hoạch rất kỹ càng để tránh bất kỳ tác động có hại nào tại khu vực sân bay nơi diễn ra hoạt động xử lý môi trường cũng như tại cộng đồng xung quanh. Các biện pháp bảo đảm an toàn sẽ được áp dụng để kiểm soát bụi, nước mưa chảy tràn bề mặt và hơi ẩm hoặc hơi nước thoát ra.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thị sát khu vực bị phơi nhiễm dioxin. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Được biết, trước đó, quỹ Ford đã hỗ trợ việc nghiên cứu ban đầu để xác định các điểm nóng dioxin ở Việt Nam. Tại sân bay Đà Nẵng, từ năm 2002, Quỹ đã hỗ trợ đổ bêtông chống lan tỏa khu vực nhiễm dioxin nặng nhất nhằm giảm bớt phơi nhiễm dioxin trong thời gian chờ xử lý ô nhiễm toàn diện và triệt để.

Đồng thời, để chuẩn bị cho dự án được triển khai, Bộ quốc phòng Việt Nam đã tổ chức rà soát và xử lý sạch bom mìn trên diện tích đất xử lý dioxin vào cuối năm 2011.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David B. Shear cho rằng đây là một cột mốc lịch sử trong quan hệ song phương giữa hai nước, “chúng ta vừa tiến hành động thổ vừa thực hiện những bước đầu tiên để vùi lấp những tàn dư đau thương của quá khứ, mở ra một tương lai đầy hy vọng mà chúng ta đang cùng nhau xây dựng”.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá cao sự kiện này, bày tỏ sự trân trọng những giúp đỡ và cho biết Việt Nam mong muốn nhận thêm nhiều sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế, từ Chính phủ Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại các điểm nóng cũng như khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh.

Cùng với dự án tẩy rửa dioxin tại sân bay Đà Nẵng, các tổ chức quốc tế cũng đã có những nỗ lực giúp đỡ Việt Nam khắc phục hậu quả do dioxin để lại: tài trợ một phòng thí nghiệm trị giá 6 triệu USD giúp Việt Nam có khả năng phân tích dioxin với độ phân giải cao; cung cấp hỗ trợ về y tế, phục hồi chức năng, việc làm và giáo dục cho 11.000 người khuyết tật tại Đà Nẵng không phân biệt nguyên nhân khuyết tật.

Nguồn www.chinhphu.vn