Cấm sử dụng điện thoại di động tại cây xăng, dễ hay khó?

(NTO) Theo quy định tại Điều 11, Nghị định 52/2012/NĐ-CP của Chính phủ về hành vi sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) tại những nơi có quy định cấm, trong đó có cửa hàng bán xăng, sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng. Tuy đã hơn 10 ngày kể từ khi Nghị định có hiệu lực (bắt đầu từ ngày 5-8), nhiều người dân vẫn chưa hay biết.

Vì thế, tại một số điểm bán xăng, không ít người vẫn sử dụng ĐTDĐ trong lúc đổ xăng, không nghĩ gì đến “lệnh” cấm và mối hiểm nguy có thể xảy ra đối với chính mình. Dù là hành vi dễ phát hiện, thế nhưng việc tiến hành xử phạt vi phạm lại gặp khó khăn.

Nhiều người dân vẫn vô tư sử dụng điện thoại tại các cây xăng.

Ông Dương Quang Trung, Giám đốc Chi nhánh Xăng dầu Ninh Thuận cho biết: “Nghị định của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy đã có hiệu lực, tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, chúng tôi cũng đã tổ chức tuyên truyền cho toàn thể nhân viên ở tất cả các cửa hàng kinh doanh trong tỉnh hiểu về công tác phòng cháy, chữa cháy, đồng thời cắm biển báo tại các điểm bán xăng để người dân thấy và hiểu mức độ nguy hiểm khi sử dụng vật có thể gây ra cháy nổ, trong đó có sử dụng ĐTDĐ trong lúc đổ xăng”.

Tại Cửa hàng Xăng dầu số 6, khu phố 4, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, người đến đổ xăng vẫn vô tư sử dụng ĐTDĐ không phải là ít, mặc dù tại điểm bán xăng này có nhiều biển báo như: Cấm lửa; cấm hút thuốc lá; cấm sử dụng ĐTDĐ; tắt khóa xe... Ông Đỗ Hồng Quân, Cửa hàng trưởng, nói: “Thực ra trước khi có Nghị định thì các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, thuộc Tập đoàn Xăng dầu Petro Limex cũng đã gắn biển báo cấm sử dụng vật liệu gây cháy nổ, trong đó có cấm sử dụng ĐTDĐ trong lúc bơm xăng. Tuy nhiên, vì chưa có xảy ra tình trạng cháy nổ do sử dụng ĐTDĐ trong lúc đổ xăng nên người dân còn chủ quan. Trách nhiệm của chúng tôi là nhắc nhở để họ hiểu, thì họ bảo là quá phiền hà và thẳng thừng chạy xe đi đổ xăng nơi khác”.

Đại tá Trần Văn Thành, Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy - Công an tỉnh cho biết: “Việc xử lý vi phạm theo quy định tại điều 11, Nghị định 52 rất khó, bởi việc người sử dụng các phương tiện xe máy đổ xăng diễn ra liên tục hàng ngày, hàng giờ, nhiều chỗ, nhiều nơi, lực lượng chức năng không thể phát hiện, xử lý vi phạm. Hơn nữa, nếu bị xử phạt với khung từ 2 triệu đến 5 triệu đồng, khách hàng chắc chắn sẽ giao điện thoại cho cơ quan chức năng, vì nếu điện thoại sử dụng giá chỉ vài trăm nghìn đồng mà bị phạt quá cao thì chỉ có việc họ bỏ luôn cả điện thoại. Giải pháp duy nhất là tuyên truyền cho người dân hiểu. Và hiện nay Công an tỉnh đang xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, chỉ đạo tất cả các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tuyên truyền bằng hình thức sinh động để thu hút sự quan tâm nhiều hơn nữa từ người dân như: treo các băng-rôn ngay tại các điểm bán, qua đó để người dân ý thức hơn trong việc phòng cháy, chữa cháy”.

Theo Nghị định 52/2012/NĐ-CP của Chính phủ, tuy lực lượng có thẩm quyền tại phường, xã có thể xử phạt, nhưng nhiều ý kiến cho rằng thật khó kiểm soát và xử lý vi phạm, bởi nếu lực lượng này phát hiện, xử phạt thì theo quy định cũng phải có lực lượng khác lập biên bản, hơn nữa lực lượng ở xã, phường không đủ nhân lực để kiểm tra, phát hiện xử lý vi phạm. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy - Công an tỉnh, toàn tỉnh hiện có đến 106 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trải khắp các huyện, thành phố, trong đó có 23 cửa hàng là của Nhà nước, còn lại là của tư nhân. Tuy nhiên không ít các doanh nghiệp tư nhân chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy, thậm chí không có biển báo cấm sử dụng vật liệu gây nguy hiểm dẫn đến cháy nổ để người dân hiểu và phòng tránh.