Ngành Giáo dục và đào tạo huyện Bác Ái : Tất cả vì học sinh thân yêu

(NTO) Bác Ái là huyện miền núi, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 95%. Đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên việc đến trường, học hành của con em nơi đây cũng còn nhiều gian nan, vất vả. Nhưng những năm qua, với sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của tỉnh, đồng lòng chung sức của toàn ngành, toàn xã hội, sự nghiệp giáo dục Bác Ái đã có được những chuyển biến rõ nét.

Nỗ lực tháo gỡ những khó khăn

Những năm trước đây, nhắc đến nền giáo dục Bác Ái, là nói đến tình trạng học sinh bỏ học. Con số này luôn chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là học sinh nghỉ học cách nhật. Theo đồng chí Trần Thùy Vân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bác Ái, học sinh nghỉ học ở những vùng khó khăn như Bác Ái có nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến nhất là do học yếu dẫn đến tự ti, chán nản…

Cô giáo Phạm Thị Kim Trung và các em Trường THCS Trần Phú,
huyện Bác Ái trong giờ học môn Địa. Ảnh: V.M

Từ thực tế trên, ngành GD&ĐT huyện đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để “giữ chân” học sinh lại trường và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Một trong những giải pháp đó là tổ chức học hai buổi trong ngày đối với những nơi đảm bảo về cơ sở vật chất. Được thực hiện từ năm 2007, đến năm 2011 tỷ lệ trường có lớp học 2 buổi của Bác Ái đã chiếm trên 86,1%. Nhưng hiệu quả đem lại chưa thực sự rõ nét: tỷ lệ học sinh khá giỏi có tăng, số học sinh bỏ học có giảm nhưng không vững chắc.

Năm học 2011- 2012 ngành GD&ĐT Bác Ái tham mưu cho UBND huyện thực hiện chuyển đổi 5 trường phổ thông sang trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) để duy trì lớp học 2 buổi/ngày, tổ chức ăn trưa cho học sinh bằng nguồn kinh phí từ các chính sách hỗ trợ học sinh nghèo và huy động các tổ chức, các nhà hảo tâm hỗ trợ. Mỗi cán bộ, giáo viên gắn bó với sự nghiệp giáo dục, gắn bó với những ngôi trường, những học sinh nghèo khó, tận tụy hơn với sự nghiệp trồng người, không ngừng đổi mới để có những phương pháp dạy học phù hợp, thu hút học sinh. Phòng GD&ĐT thường xuyên phân công cán bộ phụ trách địa bàn các xã để nắm tình hình về giáo dục hàng tuần và cùng với nhà trường tháo gỡ khó khăn một cách kịp thời, luân chuyển một số giáo viên để đảm bảo cân bằng tương đối về chuyên môn. Huyện chủ động giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất cho các trường. Hè năm 2011, Phòng GD&ĐT Bác Ái phát động phong trào “Mùa hè xanh – vì học sinh thân yêu” kêu gọi tập thể cán bộ, giáo viên và nhiều cơ quan, tổ chức đoàn thể trên địa bàn huyện cùng chung sức vì sự nghiệp giáo dục. Trưởng Phòng GD&ĐT huyện khẳng định: “Chiến dịch Mùa hè xanh – Vì học sinh thân yêu” đã thành công rực rỡ và đem lại những món quà hết sức ý nghĩa cho học sinh, đó cũng là một cách để tiếp thêm cho các em niềm tin và ý chí học tập”.

Động lực từ những kết quả bước đầu

Tính đến cuối năm học 2011-2012, tỷ lệ học sinh bỏ học của huyện Bác Ái là 1,35%; giảm 0,7% so với năm học trước và giảm đến 4,33% so với năm học 2008-2009. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi đều tăng ở tất cả các cấp học. Cụ thể, cấp tiểu học tăng gần 2%; cấp THCS tăng 0,7% so với năm học 2010-2011. Điều đáng ghi nhận là tất cả các trường thực hiện mô hình trường PTDTBT chỉ mới sau 1 năm hoạt động nhưng chất lượng giáo dục đã tăng lên rõ nét. Có những trường, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng mạnh từ 8-10%, tỷ lệ học sinh yếu kém giảm đáng kể và số học sinh bỏ học vì nguyên nhân học yếu giảm so với những năm trước 4,1%.

Tuy nhiên, khó khăn với ngành GD&ĐT Bác Ái vẫn chưa hết, khi mà đến thời điểm này, nguồn kinh phí hỗ trợ tiền ăn cho trẻ mầm non và học sinh các trường bán trú vẫn chưa được cấp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhiều trường còn hết sức thiếu thốn đặc biệt là sân chơi cho học sinh. Đội ngũ giáo viên trẻ, thiếu kinh nghiệm giảng dạy cho trẻ em vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số lại điều chuyển thường xuyên. Trong khi đó, nhận thức về việc học của nhiều phụ huynh và ngay cả bản thân học sinh còn rất hạn chế…

Khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều, nhưng tin rằng với những giải pháp và những hiệu quả bước đầu đã đạt được, năm học 2012-2013, ngành GD&ĐT cũng như chính quyền huyện Bác Ái sẽ nỗ lực vượt qua, để tiếp tục gặt hái thành công trên con đường phát triển sự nghiệp giáo dục.

Đồng chí Trần Hữu Đức,Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái:Cùng với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, tỉnh, trong thời gian tới, huyện Bác Ái sẽ tập trung tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các trường học, trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú theo hướng đồng bộ, hiện đại. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi, chính sách tín dụng để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số. Chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và giáo viên đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, tăng dần tỷ lệ giáo viên người dân tộc, người địa phương; thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho giáo viên, người học vùng dân tộc, miền núi; có chính sách thỏa đáng thu hút nhà giáo đến làm việc ở địa phương. Bên cạnh đó huyện chỉ đạo việc dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, giáo viên công tác ở vùng dân tộc thiểu số để thực hiện tốt hơn trong công tác giảng day.
Đồng chí Trần Thùy Vân,Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bác Ái:Hiện nay, ngành GD&ĐT huyện Bác Ái vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Để vượt qua, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và phát huy những hoạt động, những giải pháp đã đạt được, đồng thời từng bước rút kinh nghiệm để tìm ra những sáng kiến, cách làm mới nhằm hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học, củng cố mô hình bán trú đi vào hoạt động một cách hiện quả và làm thay đổi suy nghĩ, nhận thức của nhân dân địa phương về công tác giáo dục. Năm học 2012-2013, GD&ĐT Bác Ái mong muốn được phụ huynh và cả cộng đồng chung tay góp sức cùng với nhà trường trong công tác giáo dục. Học sinh dân tộc thiểu số rất cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng để tạo hứng thú trong học tập nên cũng rất mong trong đầu tư xây dựng cơ bản, ngành cần quan tâm đến việc tạo sân chơi cho học sinh ngay trong nhà trường
Thầy GIÁO Nguyễn Minh Hoài,Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Đinh Bộ Lĩnh, xã Phước Bình:Khó khăn lớn nhất đối với Trường PTDTBT THCS Đinh Bộ Lĩnh chính là cơ sở vật chất, trang- thiết bị, điều kiện đi lại khó khăn và đặc biệt là nguồn kinh phí để duy trì bữa ăn bán trú cho học sinh. Trường đóng trên địa bàn xa trung tâm huyện nên phải đối mặt với vô vàn thiếu thốn. Cả giáo viên và học sinh của trường hiện nay phải ra tận suối để lấy nước sinh hoạt, hết sức khó khăn. Vì vậy, ngoài sự nỗ lực cố gắng của thầy và trò, chúng tôi cũng rất mong nhận được sự chia sẻ, góp sức của toàn xã hội, đặc biệt là rất mong sớm có nguồn kinh phí hỗ trợ tiền ăn cho học sinh theo quy định để các em có điều kiện sống tốt hơn và yên tâm học tập.