Thông cáo báo chí về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2012

Báo điện tử Ninh Thuận trân trọng giới thiệu toàn văn Thông cáo báo chí về một số nội dung của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2012.

 

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Ngày 27/9/2012, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9/2012.

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2012, Chính phủ thống nhất đánh giá kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng; mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã đạt được những kết quả bước đầu, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng hợp lý.

Nhờ thực hiện mạnh mẽ các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các giải pháp đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ, tăng trưởng GDP tiếp tục quý sau cao hơn quý trước[1]. Tính chung 9 tháng đầu năm tăng 4,73%[2].

Sản xuất công nghiệp chuyển biến tích cực qua từng tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng tăng khoảng 4,8% so với cùng kỳ năm 2011[3], hàng tồn kho có xu hướng giảm dần[4].

Sản xuất nông, lâm, thủy sản khá ổn định. Giá trị sản xuất toàn ngành 9 tháng ước tăng 3,7%, trong đó nông nghiệp tăng 2,9%, lâm nghiệp tăng 6,2%, thủy sản tăng 5,3%.

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng ước đạt trên 1.713 nghìn tỷ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2011. Các hoạt động du lịch, vận tải, bưu chính viễn thông,... tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu sản xuất của nhân dân.

Về phát triển doanh nghiệp, 9 tháng, ước khoảng 51 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 350,5 nghìn tỷ đồng, giảm 11,7% về số doanh nghiệp nhưng tăng 0,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011. Tính đến nay, cả nước có trên 675 nghìn doanh nghiệp đã được thành lập, trong đó khoảng 472 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm gần 70%.

Sau khi giảm liên tục trong 7 tháng đầu năm 2012, trong đó liên tiếp hai tháng 6 (-0,26%) và tháng 7 (-0,29%) có trị số âm (-), tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang có xu hướng tăng trở lại. CPI tháng 9 tăng 2,2%, là mức tăng cao nhất trong 9 tháng qua.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 5,13% so với tháng 12/2011 và tăng 6,48% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng giá tiêu dùng của các năm trước.

Lãi suất huy động và cho vay đã giảm nhanh, với tổng mức giảm từ 5-8%/năm, phù hợp với diễn biến lạm phát, kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ. Tỷ giá giao dịch VND/USD trên thị trường cơ bản ổn định. Cán cân thanh toán quốc tế 9 tháng ước thặng dư ở mức khoảng 8 tỷ USD, là điều kiện quan trọng để tăng dự trữ ngoại tệ của cả nước.

Tính đến ngày 31/8/2012, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 10,37%; tổng số dư tiền gửi ở các tổ chức tín dụng tăng 11,23%; tính đến 20/9, tổng dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,35% so với thời điểm 31/12/2011.

Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/9, tổng thu NSNN ước đạt 468,55 nghìn tỷ đồng, bằng 63,3% dự toán, trong đó, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 54,8% dự toán. Tổng chi NSNN ước đạt 606,35 nghìn tỷ đồng, bằng 67,1% dự toán.

Xuất khẩu tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng, tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 83,79% tỷ USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 83,76 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Xuất siêu 9 tháng đầu năm khoảng 34 triệu USD, bằng 0,04% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Vốn đầu tư từ NSNN lũy kế từ đầu năm đến 15/9/2012 ước đạt 118,49 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân ước đạt 28,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 63% kế hoạch; Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI thực hiện ước đạt 8,1 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2011; Vốn ODA giải ngân ước đạt 2.880 triệu USD, bằng 94,7% kế hoạch; trong đó vốn vay ước đạt 2.700 triệu USD, vốn viện trợ không lại ước đạt 180 triệu USD.

Đồng thời, trong 9 tháng, tạo việc làm cho khoảng 1.130 nghìn lao động, đạt trên 70,6% chỉ tiêu kế hoạch năm, trong đó xuất khẩu động khoảng 60 nghìn người, đạt 66,7% kế hoạch năm.

An sinh xã hội được đảm bảo; tai nạn giao thông giảm mạnh trên cả 3 tiêu chí. Giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, văn hóa, thể thao và các vấn đề xã hội khác có tiến bộ. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; công tác đối ngoại tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc; chỉ số giá tiêu dùng đang có xu hướng tăng trở lại; tăng trưởng kinh tế còn chậm. Tổng dư nợ tín dụng tăng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra và chênh lệch khá lớn so với tốc độ tăng huy động vốn; tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng chậm được giải quyết; thị trường tài chính, tiền tệ còn diễn biến phức tạp. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại; sản xuất, kinh doanh phục hồi chậm; sức mua của thị trường trong nước thấp, tồn kho của một số ngành còn ở mức cao. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và thu ngân sách nhà nước đạt thấp so với kế hoạch đề ra. Đời sống của một bộ phận dân cư gặp khó khăn; các tệ nạn xã hội, tội phạm diễn biến phức tạp.

Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong các tháng cuối năm và cả năm 2012, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp, chính sách đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ, các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ và các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:

- Thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; kiểm soát chặt chẽ các loại giá, phí của hàng hóa, không để tăng đột biến giá các dịch vụ và mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như y tế, giáo dục, nước sạch sinh hoạt, cước vận tải, thuốc, sữa...

Cân đối hàng hóa, bảo đảm cung cầu, không để thiếu hàng, sốt giá; tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu gắn với chống gian lận hàng hóa, hàng giả, hàng kém chất lượng; chú trọng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

Đối với các địa phương chưa công bố giá, phí dịch vụ y tế mới, cần cân nhắc thời hạn áp dụng, tránh dồn dập, góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát.

- Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô. Tăng trưởng tín dụng hợp lý, đi liền với chất lượng tín dụng; tổng phương tiện thanh toán phù hợp; giữ ổn định tỷ giá, lãi suất phù hợp với lạm phát, vừa bảo đảm tăng trưởng kinh tế vừa góp phần kiềm chế lạm phát.

Theo dõi sát diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ để có các biện pháp kịp thời, phù hợp, bảo đảm tính thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và người dân. Sớm xử lý vấn đề nợ xấu gắn với tái cấu trúc ngân hàng thương mại.

- Thực hiện chính sách tài khóa hợp lý, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ, tín dụng; cân đối thu chi, giữ mức bội chi ngân sách theo kế hoạch đã đề ra.

Đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn chương trình Mục tiêu quốc gia. Thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA, đặc biệt là các dự án lớn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

- Tăng cường tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo các đề án đã phê duyệt, tập trung vào lĩnh vực sản xuất chính; đẩy nhanh cổ phần hóa; nâng cao năng lực tổ chức, quản trị doanh nghiệp.

- Tập trung tháo gỡ khó khăn hỗ trợ sản xuất kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 13/NQ-CP, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nhưng không làm bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát tăng cao trở lại.

Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất lương thực, chăn nuôi và thủy sản.

- Tiếp tục thực hiện các biện pháp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là người lao động mất việc làm từ các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, gia đình thuộc diện giải tỏa, thu hồi đất sản xuất. Thực hiện tốt, có hiệu quả chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm bắt buộc cho người lao động.

Tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện an sinh xã hội, đặc biệt là đối với người có công với cách mạng, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình chính sách; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững.

- Bảo đảm an ninh quốc phòng, tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm một cách thường xuyên và liên tục. Thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đối với các vụ việc tồn đọng, kéo dài; hạn chế tối đa các vụ khiếu nại mới,...

- Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận, củng cố niềm tin, tạo đồng thuận trong triển khai thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra./.

-------------------------------------------

[1] GDP quý I tăng 4%, quý II tăng 4,66%, quý III ước tăng khoảng 5,35%.

[2] Trong đó: giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 2,48%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,36%; khu vực dịch vụ tăng khoảng 5,97%.

[3] So với tháng trước, chỉ số IIP tháng 6 tăng 2%, tháng 7 tăng 3,2%, tháng 8 tăng 4,1%, tháng 9 tăng 4,6%. IIP 8 tháng đầu năm tăng 4,7%, IIP 7 tháng đầu năm tăng 4,8%, IIP 6 tháng đầu năm tăng 4,5%, IIP 5 tháng đầu năm chỉ tăng 4,2%.

[4] Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo so với cùng kỳ năm trước đã giảm dần từ mức 34,9% tại thời điểm 01/3, xuống lần lượt 32,1%; 29,4%; 26%; 21%, 20,8% và 20,4% vào đầu tháng 4-9/2012.

Nguồn www.chinhphu.vn