10 năm DOC và chặng đường phía trước

Chỉ có đàm phán đa phương, với tất cả các bên liên quan, dựa trên một nguyên tắc pháp định mà tất cả các bên đều nhất trí mới hy vọng giải quyết hòa bình, lâu dài vấn đề Biển Đông.

Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 19/11/2012.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Mười năm sau khi ASEAN và Trung Quốc ký kết Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), những đối thoại cả thường xuyên và đột xuất vẫn được duy trì trong các diễn đàn khu vực, các cuộc gặp song phương và đa phương, nhưng để giải quyết dứt điểm hòa bình vấn đề Biển Đông là một hành trình dài đầy chông gai phía trước.

Trước hết, cần khẳng định rằng vai trò quan hệ tương hỗ giữa ASEAN và Trung Quốc là rất quan trọng với cả hai bên. Cả hai là những đối tác thương mại lớn, là thị trường và chuỗi cung ứng của nhau với các mối ràng buộc kinh tế ngày càng chặt chẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa. Các tuyến hàng hải đi qua Biển Đông đều hết sức quan trọng về mặt thương mại với hai phía.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN 21 và các hội nghị liên quan vừa diễn ra tại Phnom Penh, những sáng kiến thương mại mới đã được tiếp tục và khởi động, càng khiến vai trò của việc đảm bảo an ninh hàng hải thêm quan trọng. Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama muốn thúc đẩy nhanh đàm phán về Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP). Hiệp định này chưa có sự tham gia của Trung Quốc, nhưng có 4 nước ASEAN giáp Biển Đông tham gia đàm phán, gồm Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam.

Từ phía Trung Quốc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng muốn tập trung hơn nữa các cuộc thảo luận vào việc hình thành khu vực mậu dịch tự do với sự tham gia của 16 nước: 10 nước ASEAN, Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc và Australia.

Nếu các hiệp ước này đi vào hiệu lực, thương mại nội khối và xuyên quốc gia của cả vùng Thái Bình Dương sẽ càng được thúc đẩy mạnh mẽ. Biển Đông, với vai trò đường vận tải chiến lược, càng trở nên quan trọng và mọi xung đột hay đe dọa xung đột, bất ổn về an ninh với vùng này đều gây ra thiệt hại cho các nước, không chỉ về mặt kinh tế và thương mại. Trong tình hình Biển Đông hiện nay, kéo dài căng thẳng và tranh chấp chỉ có mất mà không có được, với tất cả các nước, dù ở mức độ khác nhau.

Chính vì những lý do này, tại Phnom Penh, các nhà lãnh đạo ASEAN, lo lắng vì tình hình căng thẳng hơn trong thời gian vừa qua, đã cố gắng thuyết phục Trung Quốc bắt đầu những cuộc đàm phán chính thức “càng sớm càng tốt” để soạn ra một thỏa thuận chung có tính ràng buộc về mặt pháp lý, tức ở mức cao hơn DOC.

Hiện Trung Quốc đang muốn thương lượng song phương với từng nước có tranh chấp. Nhưng trong bối cảnh hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế không chỉ về thương mại mà cả về thị trường, đầu tư và nguồn nhân lực như hiện nay, việc thương lượng song phương sẽ là không khả thi. Tâm lý dân tộc lên cao ở các nước có tranh chấp cũng là cản trở, tạo sức ép quá lớn trong các cuộc đàm phán song phương. Chỉ có đàm phán đa phương, với tất cả các bên liên quan, lâu dài, dựa trên một nguyên tắc pháp định mà tất cả các bên đều nhất trí, mới hy vọng giải quyết hòa bình, lâu dài vấn đề Biển Đông.

Lúc này, những nỗ lực cần hướng tới là xây dựng một bộ quy tắc ứng cử (COC), và nó chỉ có thể có được với sự tham gia đa phương. Quan trọng hơn, quy tắc ứng xử còn giúp ngăn ngừa nguy cơ xung đột quân sự và tránh được tình trạng một tranh chấp nhỏ leo thang thành những xung đột không thể kiểm soát vì không có một cơ chế giải quyết theo pháp luật. Một bộ quy chuẩn như thế sẽ có vai trò tối quan trọng giúp ASEAN và các đối tác, bao gồm Trung Quốc, có thể tập trung trở lại vào những hợp tác kinh tế, xã hội mà các bên cùng có lợi.

Nguồn www.chinhphu.vn