Khai mạc phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 10/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 19, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Phiên họp sẽ diễn ra trong ba ngày với nhiều nội dung quan trọng.

Kỳ họp thứ 6 thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Ngay sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã đánh giá kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc Phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ 5 của UBTVQH nhấn mạnh: Kỳ họp đã hoàn thành tốt chương trình đề ra với khối lượng lớn công việc, nhiều nội dung quan trọng, thu hút sự quan tâm theo dõi của nhân dân và cử tri cả nước. Kết quả của kỳ họp đã tạo ấn tượng tốt đẹp, sự tin tưởng, phấn khởi, đồng thuận trong nhân dân về những nỗ lực, cố gắng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và Chiến lược phát triển đất nước những năm tiếp theo. Đặc biệt, việc Quốc hội lần đầu tiên lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; kết quả lấy phiếu đã phản ánh chân thực thành tựu và hạn chế, tồn tại trong hoạt động của bộ máy Nhà nước, đồng thời giúp những người được lấy phiếu tín nhiệm có phương hướng nâng cao năng lực, khắc phục khuyết điểm, hạn chế trong hoạt động của mình.

Theo Tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII, tại kỳ họp này, Quốc hội dành 19,5 ngày cho công tác xây dựng pháp luật. Trong đó, Quốc hội sẽ dành 3 ngày để xem xét thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (thời gian thảo luận là 0,5 ngày ở tổ, 2 ngày ở hội trường và thời gian thông qua là 0,5 ngày); 1,5 ngày để xem xét thông qua dự thảo Luật Đất đai (trong đó có 0,5 ngày thảo luận ở tổ).

Cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng: Việc phân bổ thời gian cho việc xem xét, thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm1992 là chưa thực sự hợp lý. Theo ông, nên dành 1 ngày thảo luận ở tổ, và 1,5 ngày ở hội trường, bởi thảo luận ở tổ sẽ tập hợp được nhiều ý kiến của các đại biểu hơn tại hội trường. Ông cũng mong muốn Quốc hội dành thêm thời gian thảo luận ở tổ cho dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Nhất trí với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng bổ sung, “chỉ dành 3 ngày để xem xét thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là quá ít, chưa thỏa đáng”. Theo ông, lẽ ra phải có một kỳ họp riêng về nội dung Hiến pháp. Nếu không, kỳ họp thứ 6 phải dành ít nhất là 5 ngày để xem xét; đồng thời, cần bố trí thảo luận ở đầu kỳ họp để có thời gian tiếp thu, chỉnh lý thì cuối kỳ họp mới thông qua được.

Chủ nhiệm Phan Trung Lý cũng cho rằng, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét và quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước. Vì vậy, cần chuẩn bị kỹ lưỡng: “Chính phủ phải có ý kiến tới các bộ chuẩn bị các dự án tốt hơn, tránh tình trạng đến tháng khai mạc kỳ họp rồi mới gửi tài liệu”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định, nội dung chương trình kỳ họp thứ 6 là quá lớn, nhưng thời gian chuẩn bị không còn nhiều. Theo Phó Chủ tịch, về công tác lập pháp, trọng tâm của kỳ họp thứ 6 là Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, dự án Luật Đất đai, dự án Luật Đấu thầu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, phải tổ chức một số hội nghị, hội thảo, tọa đàm để các chuyên gia thảo luận những nội dung còn ý kiến khác nhau của những dự án Luật trên.

Kết thúc phần thảo luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, cần khẩn trương chuẩn bị kỹ lưỡng các dự án Luật trình UBTVQH cho ý kiến trước khi trình Quốc hội.

Về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tổng kết việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND một số quận, huyện, phường để làm căn cứ hoàn chỉnh Hiến pháp. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, phải tiếp tục tiếp thu tất cả ý kiến của nhân dân đóng góp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhưng không tổ chức lấy ý kiến nữa.

Về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra hoàn chỉnh, tiếp thu, chỉnh lý đưa ra Chính phủ thảo luận lại kỹ lưỡng trước khi trình Quốc hội.

Về công tác giám sát, trong kỳ họp tới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, phải có báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013; báo cáo về tình hình thực hiện tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế.

Đề nghị trang bị vũ khí cho kiểm ngư

Cuối buổi sáng nay, UBTVQH cho ý kiến về Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Thẩm tra dự án Pháp lệnh, đa số ý kiến thành viên Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQP&AN) tán thành việc trang bị vũ khí cho kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo đề nghị của Chính phủ.

Tuy nhiên, nhiều thành viên UBQP&AN đề nghị, Chính phủ phải có quy định rõ loại súng được trang bị cho phù hợp và có biện pháp quản lý, sử dụng chặt chẽ khi hoạt động ở các vùng biển ngoài lãnh hải thuộc quyền chủ quyền của nước ta, để bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh và đối ngoại, tránh làm phức tạp tình hình không cần thiết.

Về trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các thành viên Ủy ban cơ bản nhất trí với quan điểm của Chính phủ về việc không trang bị vũ khí quân dụng cho Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trên cơ sở căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn điều tra.

Ủy ban này cho rằng, thực tế, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ điều tra một số loại tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp; tính chất manh động, chống trả của loại tội phạm này ít nguy hiểm; số vụ điều tra không nhiều. Vì thế, việc Chính phủ đề nghị không trang bị vũ khí quân dụng cho Cơ quan này là hợp lý./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam