Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Sáng 11-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Theo đó, các thành viên UBTVQH đã góp ý về phạm vi điều chỉnh của dự án luật; về chỉ định thầu; phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu; các hành vi bị cấm và hình thức xử lý…

Thảo luận về phạm vi điều chỉnh, nhiều ý kiến đồng tình không quy định về quy mô vốn nhà nước trong các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước theo mức tuyệt đối bằng tiền (500 tỷ đồng), mà tán thành tiếp thu theo hướng quy định tỷ lệ 30% góp vốn của Nhà nước trong dự án đấu thầu. Tuy nhiên, cũng phải cân nhắc, việc lựa chọn nhà thầu cần có những quy định chặt chẽ trong luật và chi tiết hơn nữa để đảm bảo việc lựa chọn nhà thầu có đầy đủ điều kiện, đủ năng lực để triển khai dự án.

Về đấu thầu trong hoạt động mua thuốc chữa bệnh, một số ý kiến đề nghị trong điều kiện chưa ban hành được luật riêng cũng cần có một chương riêng quy định về vấn đề này bởi giá thuốc hiện chiếm tỷ lệ ngân sách rất lớn. Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, dự thảo Luật cần quan tâm đầy đủ đến vấn đề quản lý đấu thầu và quản lý nhà nước về giá thuốc. Hiện, chi phí thuốc chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí điều trị (trên 60%). Nếu có cơ chế quản lý tốt, đấu thầu tốt, con số này có thể giảm xuống. Bà Trương Thị Mai cho rằng, trong tình trạng “muôn hình vạn trạng” về đấu thầu thuốc hiện nay, phải đảm bảo để người dân có thể yên tâm, tin cậy về giá thuốc.

Một số ý kiến đồng tình việc không quy định đấu thầu đối với dự án sử dụng vốn ODA trong dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Tuy nhiên, đối với dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (FDI) của doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước cần quy định nguyên tắc việc áp dụng đấu thầu trong Luật, theo đó các dự án có sử dụng một phần vốn nhà nước mua sắm thiết bị, hàng hóa... trên lãnh thổ Việt Nam để thực hiện dự án đối với nước tiếp nhận thì phải tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu của Việt Nam, phần vốn còn lại thực hiện ở ngoài nước thì áp dụng theo Hiệp định mà Việt Nam ký kết với nước tiếp nhận đầu tư và pháp luật của nước đó.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, vấn đề tồn tại trong đấu thầu hiện nay là tiêu cực trong thông thầu, trúng thầu rồi điều chỉnh đội giá lên. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Hầu hết công trình đều bị đội giá lên, thậm chí vô cùng lớn. Một số công trình giao thông của đất nước còn vào diện đắt nhất thế giới. Chúng ta rất khó để bắt, để xử lý những việc này. Do đó, cần phải dùng luật để xử lý triệt để tiêu cực này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, không thể có chuyện điều chỉnh giá khi trúng thầu, giá đã trúng thầu phải giữ nguyên trong quá trình thực hiện dự án. Mọi rủi ro cần phải được tính ngay vào giá khi đem đi đấu thầu.

Thảo luận về dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), nhiều thành viên UBTVQH đề nghị bổ sung quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với một số lĩnh vực thường xảy ra lãng phí như trong lĩnh vực giáo dục, y tế, cũng như đề nghị bổ sung làm rõ các hành vi gây lãng phí trong việc lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, sử dụng nguồn lợi thủy sản, lãng phí trong việc đào tạo nguồn nhân lực, lễ hội, lễ khởi công, lễ khánh thành, bổ sung quy định việc sử dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong khai thác, chế biến tài nguyên để tránh lãng phí...

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, nội dung của Luật sửa đổi tập trung vào xác định các lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí, hành vi lãng phí và xử lý hành vi lãng phí, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu. Vấn đề khó nhất đặt ra hiện nay là lượng hóa mức độ lãng phí; tổ chức thực hiện Luật với quan điểm đã phát hiện lãng phí, phải xử lý đến cùng; dựa vào tiêu chuẩn, định mức làm căn cứ xem xét, đánh giá.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam