Hiệu quả từ những mô hình ứng dụng khoa học- kỹ thuật ở Bác Ái

(NTO) Trong những năm qua, để giúp người dân miền núi thay đổi tập quán trong sản xuất, áp dụng những quy trình, phương thức canh tác mới vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao thu nhập, huyện Bác Ái đã đầu tư, triển khai thí điểm nhiều mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi.

Nông dân xã Phước Trung (huyện Bác Ái) đưa thiết bị cơ giới vào đồng ruộng nâng cao năng suất cây trồng
 

Tính từ năm 2010 đến nay, từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học, cùng nhiều nguồn vốn của các chương trình, dự án 30a, 135…toàn huyện đã triển khai thí điểm gần 40 mô hình, dự án, đề tài ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh, cấp huyện về nhiều lĩnh vực. Trong đó, chủ yếu tập trung vào sản xuất nông nghiệp như: chuyển đổi các giống cây trồng mới: bắp lai NK67, lúa nước ML48, lúa cao sản…chuyển đổi các giống vật nuôi: nuôi heo đen địa phương, gà H’Mông…hay ứng dụng các quy trình, cách thức canh tác mới như: “1 phải , 5 giảm”, gieo sạ hàng bằng máy…

Qua đánh giá, có nhiều mô hình mới được áp dụng đã tạo sức bật cho phát triển sản xuất trồng trọt, chăn nuôi. Điển hình như tại xã Phước Tiến, mô hình “thâm canh lúa nước” được triển khai cho các hộ nghèo trên địa bàn 6 thôn của xã từ nguồn vốn Chương trình 30a của Chính phủ, qua được tập huấn kỹ thuật canh tác, hỗ trợ về bón phân, cách phun thuốc…sau khi thu hoạch đạt 5,5 tạ/sào, cao hơn 1 tạ so với ruộng đối chứng. Hay 49ha mô hình giống lúa cao sản được triển khai vào giữa năm 2012, sau khi thu hoạch cho năng suất bình quân 4,5 tấn/ha. Mới đây, từ nguồn vốn của Chương trình 135 giai đoạn hai (năm 2012) tại xã Phước Đại, mô hình trồng bắp lai thương phẩm (giống SSC 586) được triển khai tại địa phương đã mang lại hiệu quả rất khả quan, với năng suất đạt từ 40-50 tạ/ha, tăng gấp 5-6 lần so với giống bắp của địa phương. Ngoài ra, còn nhiều nhiều mô hình được triển khai tại các địa phương khác trên địa bàn huyện cũng cho kết quả rất khả quan như: cây lúa nước, giống ML48 đạt 5 tấn/ha, cao hơn năng suất hộ dân 1,7 lần; nuôi heo đen địa phương tại chuồng rút ngắn được thời gian nuôi, tăng hiệu quả kinh tế…

Anh Pinăng Oanh ở xã Phước Thắng (huyện Bác Ái) áp dụng mô hình "1 phải, 5 giảm"
vào canh tác lúa đạt năng suất 6-7 tạ/sào/vụ. Ảnh: Sơn Ngọc

Có thể nói, hiệu quả từ các chương trình, đề án, dự án áp dụng khoa học-kỹ thuật đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho nhân dân huyện Bác Ái là rất lớn. Thông qua việc triển khai các chương trình khoa học, công nghệ trên địa bàn huyện đã góp phần làm thay đổi nhận thức của bà con Raglai trong việc áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; góp phần tăng tỷ lệ hộ trung bình, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương.

Để công tác này thật sự hiệu quả, ngoài việc tiếp tục nhân rộng các mô hình đã mang lại thành công, hiệu quả lớn, đia phương cũng cần đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu, tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể liên quan. Đặc biệt công tác tuyên truyền vận động trong nhân dân phải thường xuyên và đồng bộ. Bởi thực tế, việc triển khai các đề tài, dự án khoa học, công nghệ của địa phương vẫn còn nhiều hạn chế và tồn tại. Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật tại địa phương còn rập khuôn, chưa có sự đổi mới phù hợp với tập quán người dân địa phương.