Hiệu quả kinh tế từ trồng cây mía ở thôn Ma Trai

(NTO) “Ở thôn Ma Trai, hộ nào cũng có gia súc, gia cầm; gia đình nào cũng có một, hai chiếc xe máy làm phương tiện đi lại; số hộ nghèo giảm nhanh (13,6%/năm) trong 3 năm trở lại đây… Đồng chí Đá Mài Bán, Bí thư Đảng ủy xã Phước Chiến (Thuận Bắc) chia sẻ niềm vui khi đưa chúng tôi về thăm thôn Ma Trai.

Để xây dựng công trình hồ chứa nước Sông Trâu, cuối năm 2004, gần 100 hộ dân là người Raglai ở thôn Ma Trai đã chuyển về nơi ở mới. Tổng diện tích đất canh tác cây lương thực của thôn trên 180 ha, thuộc loại đất xám nâu, vùng bán khô hạn nên năng suất đạt thấp. Vì thế, trong những năm đầu, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Cây mía đã “đánh thức” được đất đồi núi ở thôn Ma Trai.

Tuy nhiên, nhờ chuyển đổi sang trồng mía, thu nhập cao, nên đời sống của bà con từng bước được nâng lên. Để có kết quả đó, năm 2006, qua khảo sát của Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang cho thấy đây là vùng đất thích hợp để trồng cây mía, nên UBND xã Phước Chiến đã xây dựng Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo đó, chuyển 40 ha đất ruộng, đất gò đồi thiếu nước, trồng cây mì, bắp rẫy kém hiệu quả chuyển sang trồng mía. Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang đã đầu tư vốn, hướng dẫn kỹ thuật trồng mía bằng hình thức “cầm tay chỉ việc” cho nông dân trong thôn. Để người dân có vốn đầu tư sản xuất cây mía, Công ty tạm ứng 700.000đồng/ sào và hỗ trợ 100.000đồng/ sào cho 40 ha. Do được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc nên trong thời gian đầu năng suất đạt trung bình 48 tấn/ha; Công ty thu mua với giá 800.000 đồng/tấn. Thay vì trồng cây mì thu nhập thấp, nay với 1 sào đất trồng mía thu lãi gần 3,5 triệu đồng, nhờ đó, đời sống nông dân địa phương ngày càng cải thiện.

Năm 2009, câu chuyện làm giàu từ trồng mía của ông Chamaléa Cảnh, ông Đá Mài Bốc ở thôn Ma Trai đã thúc đẩy phong trào trồng mía ở địa phương phát triển, đến nay toàn thôn đã có 50 ha. Một trong những người vừa được thoát nghèo nhờ cây mía, ông Máu Văn Á, bộc bạch: Trước kia gia đình tôi khó khổ cũng chỉ lo đầu tư cây mì, thu nhập thấp nên cuộc sống cứ thiếu trước, hụt sau. Thế nhưng, trong 2 năm trở lại đây, với 8 sào mía, chăm bón đúng kỹ thuật, mỗi vụ thu hoạch lãi trên 38 triệu đồng. Nhờ có cây “mật” nên tôi đã mua được con bò sinh sản, có xe máy và nuôi con ăn học.

Sau hơn 7 năm chuyển đổi đầu tư trồng mía, thôn Ma Trai được xem là “vựa mía” của Phước Chiến. Hiện nay, các loại giống mía mới, như: K88 -65, K95- 84, K88-92 đạt năng suất từ 47 đến 52 tấn/ha, với chất lượng trên 10 chữ đường. Với chủ trương đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng đã tạo điều kiện người dân phát huy tiềm năng, lợi thế đất đai để phát triển kinh tế, làm thay đổi bộ mặt của làng quê, góp phần cùng xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.