Trường THCS Bùi Thị Xuân: Khó khăn khi vận động học sinh ra lớp

(NTO) Là đơn vị nằm ngay khu trung tâm huyện, nhưng Trường THCS Bùi Thị Xuân (xã Lợi Hải, Thuận Bắc) rất đang bức xúc về tình trạng “vắng trò” trong những ngày đầu năm học mới. Trước thực trạng này, ngay từ giữa tháng 8, nhà trường kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đã tổ chức nhiều đợt vận động học sinh ra lớp. Đến nay, trường vẫn còn 35 học sinh chưa chịu đến trường.

Theo chân tổ công tác của Trường THCS Bùi Thị Xuân đi vận động học sinh đến trường trong một đêm mưa giữa tháng 9 này, chúng tôi thấu hiểu được những nhọc nhằn của giáo viên với niềm mong mỏi “em ra lớp”. Cô giáo Nguyễn Thị Thế, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, theo chỉ tiêu trong năm học này, trường có 418 học sinh, biên chế cho 13 lớp. Tuy nhiên, ngày sinh hoạt tập thể đầu năm học (12-8), có 117 em không đến lớp. Gần 1 tháng nay, trường đã phối hợp với địa phương tổ chức 6 đêm vận động; mỗi giáo viên chủ nhiệm lớp có trên 10 buổi đến nhà “năn nỉ” các em đi học. Nhờ đó, hiện nay còn lại 35 em chưa đến lớp học. So với năm học 2012- 2013, năm nay số học sinh không đến lớp giảm trên 50%. “Ban ngày thì các em đi rẫy nên đợi đêm xuống mới lặn lội đến từng nhà như thế này. Có gia đình muốn con nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình”, cô Nguyễn Thị Thế tâm sự.

Mặc dù giáo viên đến nhà vận động nhưng em Katơ Điệp vẫn nhất định không đi học.

Thấy tổ công tác đến nhà, ông Chamaléa La (bố của em Chamaléa Thị Ánh Ngơ, lớp 6.2), ở thôn Bà Râu 1, ra nói: “Nó ở nhà đi chăn dê, chăn bò chứ không đi học đâu. Cán bộ giáo viên đến cũng nhiều rồi nhưng tôi quyết định cho nó ở nhà. Đi học thì khổ lắm…”. Trong bộ đồ ướt sũng vì mưa, cô giáo Bùi Thị Bé, chủ nhiệm lớp 6.2, tha thiết khuyên em Ánh Ngơ đi học, nhưng Ngơ kiên quyết: “Em không đi học đâu, em sợ học lắm”. Tương tự, em Katơ Sơn, lớp 6.1, cho biết ở nhà đi chăn bò, có thời gian ra quán cà phê thích hơn là tới trường.

Qua tìm hiểu, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do các em học lực yếu lưu ban, “sợ” giáo viên kiểm tra bài nên bỏ học. Trong số 35 em chưa ra lớp thì có 17 em là học sinh lưu ban. Và việc thiếu quan tâm đến vấn đề học tập của các bậc phụ huynh;…nên “con đường đến trường” mỗi ngày một cách xa với đối với con em dân tộc thiểu số ở Trường THCS Bùi Thị Xuân.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã Lợi Hải, cho biết trong tháng 9 này, ngoài việc các ban ngành, đoàn thể và trưởng các thôn cùng giáo viên của trường tiếp tục vận động, địa phương sẽ mời những người có uy tín ở cộng đồng khu dân cư tham gia thuyết phúc các gia đình có con em bỏ học.

Thực tế cho thấy, từ việc các em học lực yếu kém dẫn đến tình trạng “né thầy” không ra lớp, vấn đề đặt ra là nhà trường trước hết phải đầu tư hơn nữa vào nâng cao chất lượng dạy và học, đẩy mạnh phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” để học sinh “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Và vấn đề không kém phần quan trọng là ngoài biện pháp vận động “cấp thời” trong đầu năm học, cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương nên lồng ghép đưa công tác khuyến học, khuyến tài vào các buổi họp dân, để tuyên truyền vận động khơi dậy phong trào học tập rộng khắp trong nhân dân. Tin rằng, thời gian không xa, Trường THCS Bùi Thị Xuân và xã Lợi Hải sẽ đẩy lùi được tình trạng thầy "năn nỉ" trò đến lớp học.