Chỉ thị của UBND tỉnh: Về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh năm 2013

(NTO) Ngày 26-9-2013, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-UBND Về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh năm 2013. Báo Ninh Thuận xin trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị này.

Theo thông báo của Bộ Y tế, dịch sốt xuất huyết đang gia tăng tại một số tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tính đến tháng 8-2013, cả nước đã ghi nhận 39.808 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 25 trường hợp tử vong. Tại khu vực miền Trung, tính đến ngày 8-9-2013 có 13.644 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 11 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2012, số mắc tăng 120% (13.644/6.185), số chết tăng 6 trường hợp (11/05). Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát tại các tỉnh lận cận như Khánh Hòa với số mắc 5.005 trường hợp, số chết 3 trường hợp, Bình Thuận với số mắc 891 trường hợp.

Tại Ninh Thuận, tính đến ngày 13-9-2013 toàn tỉnh đã phát hiện 229 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, chưa có tử vong. Số mắc tăng 74,8% so với cùng kỳ năm 2012 (229/131). Trong đó Tp. Phan Rang– Tháp Chàm 107 trường hợp, tăng 91% so với cùng kỳ năm 2012 (107/56); Thuận Nam 50 trường hợp; Ninh Sơn 29 trường hợp; Ninh Hải 23 trường hợp; Ninh Phước 16 trường hợp; Thuận Bắc 4 trường hợp. Bệnh sốt xuất huyết tập trung nhiều nhất tại các xã, phường: Đông Hải (35 trường hợp), Mỹ Đông (19 trường hợp); xã Phước Dinh (36 trường hợp); xã Quảng Sơn (18 trường hợp).

Theo báo cáo của Sở Y tế qua đợt kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại 6 xã có tình hình mắc sốt xuất huyết tăng cao gồm Đông Hải, Mỹ Đông, Phước Thuận, Quảng Sơn, Phước Dinh, Khánh Hải thuộc 5 huyện thành phố trong tháng 9-2013, cho thấy các địa phương chưa huy động các ban, ngành, đoàn thể để triển khai chiến dịch diệt lăng quăng loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, chưa tổ chức đoàn kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại cơ sở. Tình trạng các ổ chứa lăng quăng vẫn còn tồn tại trong các hộ nhà dân khá phổ biến. Tại các xã, phường được kiểm tra, người dân chưa tự phát hiện được các dụng cụ phế thải, dụng cụ chứa nước có lăng quăng và chưa biết cách súc rửa dụng cụ chứa nước để loại bỏ triệt để ổ lăng quăng, các ổ lăng quăng tại các hộ nhà dân được phát hiện khá nhiều (tổng số hộ có lăng quăng/tổng số hộ được kiểm tra là 56/95, chiếm 58,9%). Đây chính là nguyên nhân làm cho bệnh sốt xuất huyết lây lan và kéo dài.

Tình hình thời tiết, khí hậu hiện nay là điều kiện để lăng quăng và muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh. Theo dự báo của ngành Y tế, sốt xuất huyết có khả năng sẽ tăng cao và bùng phát mạnh trong thời gian tới, đặc biệt những tháng cuối năm do thời tiết ẩm thấp, mưa nhiều.

Thực hiện công văn số 5633/BYT-DP ngày 11-9-2013 của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trong các tháng cao điểm, để chủ động khống chế bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh, kiên quyết không để dịch lan rộng và kéo dài, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị:

1. Sở Y tế: Có trách nhiệm rà soát, bổ sung kế hoạch phòng chống sốt xuất huyết tại Ninh Thuận từ nay đến cuối năm 2013. Tăng cường giám sát tình hình bệnh dịch nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, kiểm soát chặt chẽ nguồn lây, điều trị kịp thời các ca bệnh, có kế hoạch thu dung, phân tuyến điều trị, chuẩn bị nguồn lực, thuốc dịch truyền, hóa chất, thiết bị để xử lý kịp thời khi xảy ra dịch. Kiểm tra, giám sát việc triển khai phun hóa chất diệt muỗi và chiến dịch diệt lăng quăng phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của Bộ Y tế. Chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác truyền thông vận động nhân dân phòng chống sốt xuất huyết.

2. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Ninh Thuận: Phối hợp với Sở Y tế tăng cường công tác thông tin truyền thông phòng chống sốt xuất huyết bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về công tác phòng chống dịch bệnh. Cần đưa các thông tin để người dân hiểu nguy cơ và sự nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết. Ưu tiên tăng thời lượng phục vụ công tác truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết trên các phương tiện thông tin đại chúng.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo: Huy động học sinh tham gia các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng tại gia đình và cộng đồng theo hướng dẫn của ngành Y tế. Chủ động phối hợp với ngành Y tế đưa các bài giảng về sốt xuất huyết vào các chương trình ngoại khóa nhằm giúp các em học sinh có đủ kiến thức và kỹ năng phòng chống sốt xuất huyết.

4. Sở Tài chính: Tham mưu cấp bổ sung kinh phí kịp thời cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết theo quy định.

5. UBND huyện, thành phố: Khẩn trương tổ chức họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch để triển khai các biện pháp khẩn cấp phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn quản lý, giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền trong việc huy động các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại các vùng nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các dụng cụ chứa nước, vật phế thải để tiến hành diệt lăng quăng. Huy động ngân sách, nguồn lực của địa phương để hỗ trợ công tác phòng chống sốt xuất huyết.

6. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội: Chủ động phối hợp với Ngành Y tế, chính quyền địa phương các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia chiến dịch vệ sinh môi trường diệt lăng quăng, thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết tại cộng đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nội dung Chỉ thị này. Giao Sở Y tế theo dõi, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế và UBND tỉnh theo quy định.