Khuyến công góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp nông thôn khu vực

(NTO) Những năm qua, hoạt động khuyến công đã tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn. góp phần làm gia tăng giá trị sản xuất cho ngành công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của các địa phương.

Đó là đánh giá chung của nhiều đại biểu tại Hội nghị Công tác khuyến công 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây nguyên lần thứ IV tổ chức tại tỉnh ta vào ngày 4-10-2013.

Toàn cảnh hội nghị.

Với những kết quả đạt được, Đồng chí Đỗ Xuân Hạ, Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương, thuộc Bộ Công Thương đánh giá, năm qua mặc dù điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong khu vực đã rất cố gắng trong việc đưa nguồn vốn khuyến công tới các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, thông qua đó hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở vượt qua khó khăn ở thời điểm hiện tại, đồng thời tìm ra nhiều giải pháp làm ăn kinh tế mới, mang lại hiệu quả. Góp phần tích cực vào việc triển khai các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và thực hiện kế hoạch sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu thúc đẩy ngành công nghiệp nông thôn khu vực.

Theo Cục Công nghiệp địa phương, tổng kinh phí khuyến công năm 2013 được duyệt của 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây nguyên là 38,286 tỷ đồng, tăng 15,96% so kế hoạch năm 2012. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia là 20,014 tỷ đồng, tăng 3,24% so với kế hoạch năm 2012 trên khu vực, chiếm 21,95% tổng kinh phí khuyến công quốc gia; kinh phí khuyến công địa phương là 18,271 tỷ đồng, tăng 2,03% so kế hoạch năm 2012, chiếm 13,02% tổng kinh phí khuyến công địa phương của cả nước.

Những năm qua, các nội dung hoạt động khuyến công tại các tỉnh ngày càng đa dạng và phong phú hơn. Quy mô, chất lượng các đề án khuyến công ngày càng được nâng cao, có tác động rõ nét đến phát triển công nghiệp ở nông thôn; công tác quản lý nhà nước về khuyến công, việc thẩm định, triển khai và thanh quyết toán đề án ngày càng được củng cố; hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp được quan tâm thực hiện, việc kết hợp hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp tại các Trung tâm Khuyến công không chỉ tạo thêm nguồn thu, nâng cao năng lực cho các Trung tâm mà còn góp phần khuyến khích thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn của các địa phương...Riêng tại tỉnh ta, từ đầu năm đến nay hoạt động công tác khuyến công cũng đạt được kết quả đáng khích lệ. Về khuyến công quốc gia, đã được Bộ Công Thương phê duyệt 05 đề án với tổng kinh phí 1,635 triệu đồng. Nhằm tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của trung ương Sở Công Thương tỉnh chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tích cực trong công tác tìm kiếm và xây dựng các đề án hỗ trợ về đào tạo nghề, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất cho các cơ sở nông nghiệp nông thôn. Đồng thời, triển khai thực hiện các Đề án khuyến công địa phương, Nghị định số 45/NĐ-CP và các văn bản có liên quan. Đến nay, công nghiệp nông thôn của tỉnh đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí trong nền kinh tế của tỉnh nói chung và ngành Công Thương nói riêng. Hiện, toàn tỉnh có 1774 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp lớn chiếm 20%, doanh nghiệp nhỏ chiếm 37% đã tham gia tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, giải quyết việc làm cho 15.000 lao động, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại trong việc triển khai công tác khuyến công. Đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh ta đề xuất Bộ Công Thương điều chỉnh quy mô đào tạo nghề cho lao động nông thôn tối thiểu 100 lao động/Đề án.

Ông Trần Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định, nhìn nhận, hoạt động khuyến công có vai trò quan trọng trong công tác hỗ trợ, phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, mức hỗ trợ cho các đề án như chương trình sản xuất sạch hơn, mô hình trình diễn kỹ thuật…còn thấp, trong khi có đề án kéo dài 2 năm, nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Vì thế một số doanh nghiệp chưa thật sự mặn mà trong các chương trình khuyến công, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đại diện Sở Công Thương tỉnh DakLak, đề nghị Bộ Công thương sớm quy định thống nhất các tên gọi chung về Trung tâm Khuyến công các tỉnh. Cần quan tâm, hỗ trợ cho các vùng đồng bào dân tộc miền núi, có chính sách đặc biệt hơn các vùng khác. Đồng thời mong muốn, được hỗ trợ hơn nữa trong việc phát triển công nghiệp của địa phương, do giá cà phê giảm, một số nông dân và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp thua lỗ,tình hình phát triển kinh tế chung của tỉnh gặp khó khăn.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, mức hỗ trợ kinh phí khuyến công còn thấp, nên khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu trong quá trình thực hiện các đề án; thời gian phê duyệt các đề án trình diễn kỹ thuật còn chậm; một số chính quyền địa phương, các cộng tác viên, cán bộ công tác khuyến công cấp huyện, xã chưa thật sự quan tâm; các cơ sở công nghiệp ở vùng nông thôn chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể trong các làng nghề vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn, do chưa đăng ký kinh doanh; chương trình sản xuất sạch hơn mới chỉ tập trung thông tin tuyên truyền chứ chưa hỗ trợ cụ thể vào việc sản xuất đối với các doanh nghiệp…

Là doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc xuất khẩu lớn, với sản lượng hàng năm trên 3 triệu sản phẩm. Đại diện cho các doanh nghiệp tham gia hội nghị, ông Bùi Xuân Khương, Phó giám đốc Công ty CP An Hưng, tỉnh Phú Yên, cũng đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp trong việc đầu tư hệ thống máy móc kỹ thuật tiên tiến, công tác đào tạo lao động và các thiết bị tiết kiệm năng lượng. Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết lao động, tăng kim ngạch xuất khẩu.

Tổng hợp và giải đáp những kiến nghị của các Sở Công Thương tại hội nghị, đồng chí Trần Xuân Hạ, Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công thương trình bày các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển công tác khuyến công quốc gia cụ thể chi tiết với từng câu hỏi. Đồng thời, đồng chí cũng đã ghi nhận đầy đủ ý kiến, kiến nghị của các địa phương, kết hợp với các cơ quan thuộc bộ sớm có những giải đáp, hướng dẫn cụ thể. Ngoài ra các địa phương cũng cần nỗ lực hơn nữa trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và thực hiện tốt nhiệm vụ khuyến công.

Để chương trình khuyến công quốc gia thực sự là “đòn bẩy” trong việc giải quyết lao động, an sinh xã hội, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất để phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. Đồng chí, Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công thương, yêu cầu các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hỗ trợ vốn, triển khai các mô hình mới hiệu quả tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động khuyến công, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, công nghiệp nông thôn khu vực miền Trung – Tây nguyên. Đánh giá cao công tác tổ chức Hội nghị công tác Khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây nguyên lần thứ IV, 2013 tại tỉnh ta, đồng chí Thứ Trưởng nhấn mạnh: thành công của Hội nghị Khuyến công lần này sẽ là cơ sở cho các tỉnh phấn đấu hoàn thành kế hoạch 3 tháng còn lại của năm 2013.