Quốc hội thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Ngày 5/11, Quốc hội dành trọn 1 ngày thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trước khi thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) năm 1992, Trưởng Ban Biên tập DTSĐHP năm 1992, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý DTSĐHP năm 1992 trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ.

 

Quốc hội dành trọn ngày 5/11 thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
(Ảnh: dangcongsan.vn)

Theo Báo cáo, sáng ngày 23/10/2013, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở Tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các vị đại biểu Quốc hội đều cơ bản tán thành với Dự thảo và cho rằng, Dự thảo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có chất lượng, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Các vị đại biểu Quốc hội cũng đã góp thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện một số nội dung cụ thể của Dự thảo.

Kiểm soát quyền lực nhà nước

Báo cáo cho biết, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành với quy định về chế độ chính trị (Chương I) của Dự thảo; đồng thời, đóng góp ý kiến cụ thể đối với một số vấn đề. Cụ thể, về kiểm soát quyền lực nhà nước (Điều 2): Có ý kiến đề nghị bỏ đoạn “có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” tại khoản 3 hoặc bỏ từ “kiểm soát” trong cụm từ nêu trên.

Ủy ban DTSĐHP cho rằng, nguyên tắc “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” đã được khẳng định trong Cương lĩnh và các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Kiểm soát quyền lực nhà nước là một nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền, bảo đảm để quyền lực nhà nước được vận hành theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật, phòng chống lạm dụng quyền lực và đây chính là điểm mới rất quan trọng trong Hiến pháp, thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng đã được ghi trong Cương lĩnh. Vì vậy, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này như trong Dự thảo.

Về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (Điều 4): Tuyệt đại đa số ý kiến đều tán thành quy định về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Điều 4 của Dự thảo. Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “duy nhất” vào sau cụm từ “lực lượng lãnh đạo” tại khoản 1; quy định rõ cơ chế để thực hiện “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân”, “chịu trách nhiệm trước nhân dân” và bổ sung quy định về mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ vào Điều 4.

Ủy ban DTSĐHP cho biết, Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 đã quy định “Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng tiếp tục ghi nhận: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Trong toàn bộ Hiến pháp năm 1992 cũng như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này chỉ có duy nhất Điều 4 quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Do đó, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam thì không còn lực lượng nào khác được giao trọng trách này. Điều đó cũng hoàn toàn phù hợp với thực tiễn một đảng lãnh đạo ở Việt Nam. Vì vậy, Ủy ban DTSĐHP đề nghị không bổ sung từ “duy nhất” vào Điều này.

Quy định cụ thể việc trưng dụng đất trong trường hợp đặc biệt

Thu hồi đất đai là nội dung có nhiều ý kiến đóng góp. Khoản 3 điều 54 quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Báo cáo của Ủy ban DTSĐHP ghi nhận, đa số ý kiến tán thành với quy định về thu hồi đất như Dự thảo. Một số ý kiến băn khoăn về quy định thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội vì cho rằng, thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng đã bao hàm các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Về vấn đề này, Ủy ban DTSĐHP cho rằng để phục vụ cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, bên cạnh việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia thì Nhà nước vẫn cần thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề ở chỗ là Luật Đất đai phải quy định thật cụ thể các trường hợp thu hồi đất và việc thu hồi đất phải bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng và phải được bồi thường. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về thu hồi đất như đã thể hiện tại Điều 54 của Dự thảo.

Về trưng dụng đất, tại khoản 4 Điều 54 dự thảo quy định “Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai do luật định”. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị bổ sung và quy định cụ thể việc trưng dụng đất trong trường hợp đặc biệt vì mục đích quốc phòng, an ninh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai.

Ủy ban DTSĐHP tiếp thu ý kiến này và đề nghị Quốc hội cho bổ sung vấn đề này vào khoản 4 Điều 54 như sau: “Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai do luật định”.

Ổn định, tránh xáo trộn về các đơn vị hành chính

Về chính quyền địa phương, Báo cáo của Ủy ban DTSĐHP cho biết, qua thảo luận có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương như Dự thảo; loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định cụ thể hơn, xác định rõ mô hình chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính (chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo), đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trong Hiến pháp phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, Hiến pháp là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản nên chỉ quy định khái quát, khẳng định những vấn đề nguyên tắc, cơ bản trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Quy định như vậy để tạo cơ sở cho việc tiếp tục đổi mới tổ chức chính quyền địa phương và sẽ được quy định cụ thể trong luật. Do đó, Ủy ban DTSĐHP xin Quốc hội cho giữ quy định về chính quyền địa phương như trong Dự thảo.

Về đơn vị hành chính (Điều 110), đa số ý kiến tán thành quy định về đơn vị hành chính như Dự thảo. Ý kiến khác đề nghị quy định khái quát “Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh do luật định” để tạo cơ sở hiến định cho việc đổi mới chính quyền địa phương. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về “đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập”; bổ sung thẩm quyền thành lập đơn vị hành chính ở hải đảo. Có ý kiến lại cho rằng, để bảo đảm thống nhất cách quy định đối với các đơn vị hành chính khác tại Điều này, đề nghị không quy định cụ thể tại Điều này thẩm quyền thành lập các đơn vị hành chính. Thẩm quyền thành lập các đơn vị này được quy định ở các điều khác của Dự thảo tương ứng với quy mô của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về các đơn vị hành chính tại Điều 118 của Hiến pháp năm 1992 để bảo đảm tính ổn định, tránh xáo trộn về các đơn vị hành chính ở nước ta, đồng thời, bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và đơn vị hành chính ở hải đảo.

Về tổ chức chính quyền địa phương (Điều 111 và Điều 114): Có ý kiến đề nghị xác định chính quyền địa phương phải gắn với các đơn vị hành chính và ở đâu có Ủy ban nhân dân thì ở đó có Hội đồng nhân dân, tương ứng với đó, đề nghị bỏ quy định Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn Ủy ban nhân dân cấp dưới tại Điều 114.

Về vấn đề này, Ủy ban DTSĐHP cho rằng trong điều kiện chúng ta chưa tổng kết đầy đủ, toàn diện Nghị quyết 26 của Quốc hội về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường cũng như thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị thì Hiến pháp quy định khái quát về mô hình tổ chức chính quyền địa phương để tạo cơ sở hiến định cho việc đổi mới, đa dạng hóa trong việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính là phương án hợp lý. Vì vậy, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về tổ chức chính quyền địa phương như thể hiện tại Điều 111 và Điều 114 của Dự thảo./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam