Dệt mùa xuân trên sóng

(NTO) Mùa xuân của thiên nhiên, đất trời đến rồi lại đi, nhưng mùa xuân ở những điểm đảo tiền tiêu của Tổ quốc thì cứ còn mãi trên từng con sóng. Mùa xuân ấy được dệt bằng từng con người cụ thể với tình yêu biển, đảo và quyết tâm cống hiến sức trẻ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Yêu biển và ước mong được cống hiến cho biển, đảo quê hương, nên khi vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, thầy giáo Đồng Minh Hiệp (sinh năm 1991) đã đăng ký tình nguyện ra đứng lớp ở Trường TH đảo Trường Sa. Thầy giáo trẻ như người anh trai ân cần chỉ bảo, dạy dỗ các em, từ những bài học trong sách giáo khoa đến tập bài hát, chơi trò chơi nhỏ. Hiệp tâm sự: “Các em học sinh ở đây rất ngoan, biết nghe lời, cũng rất sáng ý nên tiếp thu bài học khá nhanh. Không những thế, các em còn rất yêu mến thầy giáo, khiến mình càng thêm vui mỗi khi đứng lớp, càng cố gắng làm tốt vai trò giáo viên, giúp các em có đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết. Đây là ngôi trường mà có lẽ suốt cuộc đời tôi sẽ không bao giờ quên.”

 
Mùa xuân nơi đảo xa được dệt nên từ chính những người lính
với tình yêu quê hương và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cũng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm (Trường Đại học Phú Yên) nhưng mong muốn được trở thành người lính thôi thúc thầy giáo Trần Văn Nghĩa (xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) đăng ký tình nguyện thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đây là lần thứ 2 Nghĩa viết đơn tình nguyện (lần đầu khi vừa tốt nghiệp THPT, đăng ký trễ nên chưa được gọi nhập ngũ nên tiếp tục đi học). Sinh ra, lớn lên ở vùng biển, cha mẹ cũng làm nghề biển, nên từ nhỏ Nghĩa đã gắn bó và yêu biển. Em xúc động kể lại: “Được vào binh chủng Hải quân, em đã cảm thấy rất vui, tự nhủ phải rèn luyện và học tập thật tốt. Khi nhận quyết định thực hiện nhiệm vụ ở quần đảo Trường Sa, em càng thêm vinh dự. Với em, được khoác trên mình màu áo trắng xanh của người lính biển, trực tiếp tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo là một niềm tự hào và vinh dự lớn”. Giờ đây, trên đảo chìm Thuyền Chài B, chàng thanh niên chỉ mới nửa tuổi Đảng, 21 tuổi đời ấy mỗi ngày đều nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Giữa trùng khơi, Nghĩa đã viết những câu thơ bằng mạch cảm xúc giản dị và tự nhiên, tựa sóng vỗ vào bờ, cũng là tiếng lòng của toàn thể anh em cán bộ, chiến sỹ đang ngày đêm canh giữ biển, đảo quê hương:

“Bước vào lính chắc cây súng trong tay

Đến nơi xa – trời quen đất lạ

Nơi tôi sống, bốn bề là biển cả

Nơi tôi đứng – đầu sóng ngọn gió

Vẫn một lòng quyết giữ biển quê hương.”

Dù trời mưa giông hay nắng nóng, đến mỗi điểm đảo, nhìn nụ cười tươi rói của những chàng trai dạn dày nắng gió, những người rất trẻ với đầy nhiệt huyết và ý chí ấy, chúng tôi như thấy sức xuân tràn ngập đảo nhỏ. Mỗi người lính biển là mỗi câu chuyện, về cuộc sống gia đình, về quê hương, về tình yêu và hành trình đến với đảo. Giản dị, thân thương và được chia sẻ để thật sự “đảo là nhà, biển cả là quê hương”, tất cả đều là anh em, đồng sức, đồng lòng vượt mọi gian khó.

 
Thầy giáo Đồng Minh Hiệp đã tình nguyện đến với Trường Sa
ngay khi vừa tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nha Trang.

Trong đội ngũ những người trẻ đang thực hiện nhiệm vụ ở quần đảo tiền tiêu, quê hương Ninh Thuận cũng tự hào có những gương mặt trẻ góp sức xuân cho biển, đảo Tổ quốc. Không còn quá ngạc nhiên khi những cái tên Tiến, Miên, Danh, Long, Lợi,… từng được gắn với địa danh Tân Hải, Xuân Hải, Nhơn Hải, Phước Dân,… thì nay lại được gọi thân thương thành Tiến “Đá Đông”, Miên “Trường Sa”, Danh “Nam Yết”, Long “Đá Tây”, Lợi “An Bang”,… Đảo xa trở nên thật gần. Những ngày Tết rộn ràng, sau lời chúc năm mới, các bạn hỏi han tình hình vui xuân-đón tết ở quê nhà, về đường hoa, về đêm giao thừa, về mùa vụ và những con đường nông thôn mới. Rồi đến lượt các bạn, cũng háo hức kể cho bạn bè, người thân về tết trên đảo chìm, đảo nổi, về hội thi gói bánh chưng, về văn nghệ, thể thao, về tình cảm giữa anh em cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo.

Ở Trường Sa, mùa xuân cứ mãi xanh trên từng con sóng, vỗ về ôm lấy đảo, như người lính Hải quân, ôm cả biển trời vào lòng. “Mặn lên da là biển, mặn xuống tóc là trời. Lính làm hoa cho bể, mùa xuân Trường Sa trẻ, như binh nhất binh nhì!”. Đại tá – Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý khi viết những câu ấy trong bài thơ “Gửi về tháng Giêng” (sau được nhạc sỹ Quỳnh Hợp phổ nhạc lấy tên “Mùa xuân nơi Trường Sa”) hẳn cũng đã nhận thấy mùa xuân nơi đây được làm nên từ chính những người lính biển. Và vì thế, biển, đảo của chúng ta trường xuân.