Qua 3 năm thực hiện công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh

(NTO) Năm 2010, sở GD&ĐT triển khai thực hiện Chỉ thị 22/CT-UBND ngày 20/9/2010 của UBND tỉnh về việc tăng cường thực hiện công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2015.

Nhà giáo ưu tú Lương Hồng Sơn
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT

Để thực hiện có hiệu quả chỉ thị nói trên, Sở GD&ĐT đã có nhiều văn bản hướng dẫn công tác đánh giá KĐCLGD, đồng thời phối hợp với Cục Khảo thí và KĐCLGD- Bộ GD&ĐT đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 1.142 lượt học viên là cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Tính đến thời điểm tháng 9/2013, quy mô toàn ngành có trên 9.200 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo đều tăng từng năm học: Mầm non đạt 98,36%, tăng 7,7%. Tiểu học đạt 98,4% tăng 2,07%. THCS đạt 99,4%, tăng 9,38%. THPT đạt 100%, tăng 1,92%. Trường, lớp học được đầu tư theo hướng kiên cố hóa đáp ứng được nhu cầu dạy học 02 buổi/ngày ở cấp tiểu học. Năm học 2013-2014, mầm non có 90 trường, tăng 9 trường, phổ thông có 234 trường, tăng 9 trường. Tỷ lệ huy động học sinh đến lớp của từng cấp học, qua các năm đều tăng. Trang thiết bị dạy học đã được mua sắm theo danh mục thiết bị dạy học tối thiểu của các cấp học do Bộ GD&ĐT quy định nên cơ bản đáp ứng được yêu cầu dạy học.

Nhìn chung, qua thực hiện Chỉ thị 22 của UBND tỉnh, từ năm học 2010-2011, toàn ngành GD&ĐT đã có những định hướng rõ nét trong công tác đánh giá và kiểm định CLGD; đến năm học 2013-2014, đã có sự chuyển biến tích cực và mạnh mẽ, tất cả các CSGD đều thực hiện công tác tự đánh giá và tạo tiền đề vững chắc cho việc đẩy mạnh công tác kiểm định CLGD trong toàn tỉnh.

Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Ảnh: Bích Thủy

Mặc dù, còn nhiều khó khăn nhưng tất cả các cấp học từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT và các trung tâm trong toàn ngành GD&ĐT đang tiếp tục triển khai đồng bộ việc thực hiện báo cáo tự đánh giá tại các CSGD; mỗi phòng GD&ĐT tiếp tục xây dựng các đơn vị chỉ đạo điểm (01 trường/cấp học) để rút kinh nghiệm và tăng cường việc trao đổi, học tập, tham quan các đơn vị đã làm tốt công tác tự đánh giá…

Tuy nhiên, do công tác đánh giá và KĐCLGD còn khá mới, phạm vi đánh giá rộng, toàn diện và bao quát toàn bộ các hoạt động giáo dục. Điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, diện tích sử dụng, sân chơi bãi tập vẫn còn hạn chế.

Cơ sở giáo dục được công nhận đạt chuẩn KĐCLGD cấp độ I, phải đạt 5 tiêu chuẩn quy định: về tổ chức và quản lý nhà trường; về cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học; về quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội; về hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục. Đến nay, toàn tỉnh mới có 5 trường THCS trên địa bàn huyện Ninh Phước được công nhận đạt chuẩn KĐCLGD cấp độ I, đạt 6,58% (phòng GDĐT Ninh Phước, đạt 17,24%) vẫn là con số còn khiêm tốn.

Xác định mục tiêu về công tác đánh giá KĐCLGD đến năm 2015 theo tinh thần chỉ thị 22, trong thời gian tới ngành GDĐT tiếp tục định hướng triển khai thực hiện, với những nội dung chủ yếu như sau:

Một là: Nâng cao nhận thức đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về công tác KĐCLGD là một giải pháp để quản lí chất lượng, xác định được mức độ đáp ứng mục tiêu giáo dục, công khai về thực trạng chất lượng giáo dục, nhằm định hướng đúng các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Hai là: Tăng cường công tác hỗ trợ, tư vấn đối với các cơ sở giáo dục đảm bảo tiến độ tự đánh giá theo đúng kế hoạch.

Ba là: Quyết tâm thực hiện lộ trình và kế hoạch đăng ký phấn đấu trường đạt chuẩn KĐCLGD, đôn đốc thực hiện kế hoạch cải tiến và cam kết cải tiến chất lượng của các cơ sở giáo dục.

Bốn là: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, củng cố công tác lưu trữ cơ sở dữ liệu và thông tin minh chứng, giảm sự phức tạp và cồng kềnh của các thông tin trong công tác tự đánh giá, thuận tiện khi tập hợp, xử lý, phân tích, chọn lọc và sử dụng thông tin minh chứng có tính thuyết phục cao và phù hợp với yêu cầu của nội hàm.

Năm là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong toàn xã hội về công tác KĐCLGD. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên những cá nhân, tập thể điển hình tiêu biểu có nhiều nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn đạt mục tiêu KĐCLGD đúng lộ trình.

Với định hướng chung, cùng với sự nỗ lực của toàn Ngành, sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các sở, ban, ngành trong tỉnh, chúng ta tin tưởng rằng công tác KĐCLGD trong thời gian sắp đến sẽ có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được mục tiêu đề ra, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI).

Ông Nguyễn Thanh Bình,

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ninh Phước:

Để triển khai thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD), Phòng GD&ĐT huyện Ninh Phước đặc biệt chú trọng đến việc triển khai, quán triệt các văn bản chỉ đạo và tập huấn, hướng dẫn nội dung thực hiện cho đội ngũ cán bộ quản lý, viên chức toàn ngành; chỉ đạo các trường tổ chức tuyên truyền, quán triệt đến từng cán bộ, giáo viên và phụ huynh; yêu cầu mỗi đơn vị xác định rõ trách nhiệm và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác đổi mới quản lý giáo dục.

Vì là nội dung mới, ban đầu các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng nên Phòng GD&ĐT đã ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện đối với các trường TH, THCS đã đạt chuẩn Quốc gia và tiên tiến cấp tỉnh; chọn và xây dựng 2 trường điểm để tập trung chỉ đạo; đồng thời tổ chức hội thảo chuyên đề để các trường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và cùng tháo gỡ khó khăn. Từ năm học 2012-2013, thực hiện theo văn bản chỉ đạo của Sở, công tác KĐCLGD cũng được Phòng GD&ĐT Ninh Phước đưa vào nội dung đánh giá thi đua để các trường quyết tâm và thực hiện tốt hơn.

Ông Quảng Đại Thính,

Hiệu trưởng Trường THCS Phan Đình Phùng - xã Phước Hải, huyện Ninh Phước:

Thực hiện công tác KĐCLGD trường học, Trường THCS Phan Đình Phùng đã tổ chức quán triệt mục đích, ý nghĩa đến từng cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong nhà trường; công khai các tiêu chuẩn, tiêu chí tự đánh giá, bàn bạc thảo luận dân chủ, tiếp thu ý kiến góp ý của giáo viên, đánh giá chính xác kết quả có được của đơn vị... để từ đó xây dựng kế hoạch phù hợp. Trường thành lập Hội đồng tự đánh giá gồm 18 thành viên đại diện: Cấp uỷ chi bộ, lãnh đạo nhà trường, cốt cán tổ chuyên môn, phụ trách các tổ chức đoàn thể. Mỗi thành viên được phân công nhiệm vụ theo chức năng, năng lực. Ngoài việc tham gia các lớp bồi dưỡng, hội thảo chuyên đề do Phòng và Sở GD&ĐT tổ chức, nhà trường còn chủ động tổ chức cho cán bộ, giáo viên tham quan, học tập kinh nghiệm về thực hiện công tác KĐCLGD ở Trường THCS Phan Chu Trinh tại Tp. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Kết quả nhà trường được đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục mức độ I là sự hợp lực cố gắng của tập thể trong và ngoài nhà trường. Từ kết quả đạt được, chúng tôi quyết tâm duy trì, giữ vững và phấn đấu đến năm học 2015-2016 với kế hoạch cải tiến chất lượng phù hợp, nhà trường sẽ đạt tiêu chuẩn chất lượng cấp độ 2 hoặc cấp độ 3.

Bà Vũ Thị Ba,

Hiệu trưởng Trường TH Long Bình, huyện Ninh Phước:

Theo tôi, điều quan trọng nhất để triển khai thực hiện công tác KĐCLGD là sự đoàn kết và quyết tâm của tập thể cán bộ quản lý, nhân viên và giáo viên nhà trường. Những thành viên của Hội đồng đánh giá của trường, đặc biệt là chủ tịch hội đồng phải là người có năng lực, vững trình độ và tinh thần trách nhiệm cao. Để thực hiện nghiêm túc, đúng quy định thì không riêng gì các thành viên hội đồng mà mọi cán bộ, giáo viên đều phải được quán triệt và dành thời gian nghiên cứu bộ tiêu chí đánh giá. Trong công tác tìm minh chứng, Trường TH Long Bình tổ chức thông báo và công khai các nội dung đánh giá trước toàn thể hội đồng nhà trường để tất cả mọi người đều có thể giúp đỡ; hằng năm thiết lập hệ thống lưu trữ hồ sơ một cách nghiêm túc, đầy đủ. Công tác tự đánh giá và KĐCLGD đã giúp mỗi cá nhân có ý thức, trách nhiệm hơn về chất lượng giáo dục; tạo điều kiện cho các thành viên trong trường đoàn kết, cùng nhau giải quyết khó khăn và cũng là động cơ để mỗi cán bộ, giáo viên điều chỉnh, nâng cao chất lượng giáo dục.