Các trường mầm non phấn đấu đạt chuẩn quốc gia

(NTO) Toàn tỉnh hiện có 90 trường mẫu giáo, mầm non (MGMN) trong đó 72 trường công lập và 18 trường tư thục. Tính đến tháng 2-2014, đã có 7 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1.

Triển khai Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt, thì đến năm 2015, toàn tỉnh phấn đấu có 10% trường MGMN đạt chuẩn quốc gia. Nếu tính theo tổng số trường MGMN hiện nay thì phải phấn đấu thêm 2 trường đạt chuẩn quốc gia nữa. Đồng chí Phạm Thị Mộng Liên, Trưởng Phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT cho biết: Mục tiêu này hoàn toàn có khả năng đạt được vì năm học 2013-2014, có 4 trường MGMN đã đăng ký và đã được UBND các huyện, thành phố đưa vào lộ trình xây dựng đạt chuẩn quốc gia. Theo kết quả khảo sát ban đầu, đa số các trường này đều đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí về trường MN đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Cô và trò Trường Mẫu giáo Phước Trung, huyện Bác Ái. Ảnh: Văn Miên

Cũng như các cấp học khác, khó khăn lớn nhất trong việc phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của giáo dục MN hiện nay vẫn là vấn đề cơ sở vật chất, trang thiết bị, trong đó phổ biến nhất là tình trạng thiếu phòng học và phòng chức năng. Bộ GD&ĐT vừa có Thông tư số 02/2014/TT-BGDĐT ngày 8-2-2014, ban hành Quy chế công nhận trường MN đạt chuẩn quốc gia (có hiệu lực từ ngày 25-3-2014) thay thế Quyết định số 36/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16-7-2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Theo đó, các tiêu chuẩn công nhận trường MN đạt chuẩn quốc gia được nâng lên có phần “khắt khe” hơn, trong đó Điều 8, quy định một trong những tiêu chuẩn về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ là “100% các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tổ chức cho trẻ ăn bán trú”. Đây được xem là một thách thức khá lớn cho các trường MGMN trên địa bàn tỉnh ta hiện nay, bởi thực trạng khá phổ biến là mỗi trường MGMN có nhiều điểm trường lẻ và đa số các điểm lẻ chỉ có 1 hoặc 2 lớp học. Việc phân tán như vậy rất khó để thực hiện tổ chức cho trẻ ăn bán trú tại trường vì thiếu nhân lực cũng như trang thiết bị, nhà ăn…

Với mục tiêu nâng cao chất lượng, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, thời gian qua, chính quyền địa phương một số nơi và chính các trường MGMN đã có những giải pháp hữu hiệu để phần nào tháo gỡ khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất. Điển hình như Phòng GD&ĐT Bác Ái đã huy động nhân lực từ cán bộ, công nhân viên chức trên địa bàn huyện tham gia đóng góp ngày công để cải tạo môi trường, tạo khuôn viên xanh- sạch- đẹp; xây dựng nhà ăn tạm thời, thiết kế sân chơi cho học sinh. Đồng chí Trần Thùy Vân, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bác Ái cho biết: Để thực hiện xây dựng trường MN đạt chuẩn quốc gia, Bác Ái vướng phải 2 khó khăn lớn nhất: cơ sở vật chất và chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Xác định đúng đặc thù của địa phương còn nghèo, ý thức phụ huynh về việc học của con em còn hạn chế nên công tác xã hội hóa giáo dục gặp khó khăn, Phòng GD&ĐT Bác Ái đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo hướng tập trung chứ không dàn trải. Không đợi được đầu tư cơ sở vật chất rồi mới nâng cao chất lượng mà thực hiện ngược lại: nỗ lực nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ ngay cả trong điều kiện khó khăn. Giải pháp hiệu quả nhất là tổ chức cho trẻ ăn bán trú tại trường và luôn tạo điều kiện cho giáo viên MGMN được tập huấn, trao đổi kinh nghiệm để đổi mới phương pháp dạy cũng như kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ... Toàn huyện Bác Ái có 9 trường MG, 2 trường MN thì hiện nay 100% trường đều đã tổ chức được cho trẻ ăn bán trú tại trường. Trường Mẫu giáo Hoa Mai, đóng trên địa bàn xã Phước Đại vừa được UBND tỉnh công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I. Trường Mẫu giáo Phước Tiến đang tiếp tục được xây dựng và phấn đấu đạt chuẩn quốc gia trong năm 2015.

Theo đánh giá của ngành GD&ĐT, mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh có 10% trường MGMN đạt chuẩn Quốc gia là hoàn toàn có thể thực hiện được, nhưng để nâng con số này lên 20% vào năm 2020 theo kế hoạch là rất khó. Bởi ngoài những trường đã và sắp được công nhận đạt chuẩn, đa số các trường MGMN còn lại vẫn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu điều kiện để nâng cao chất lượng… do đó, còn cách xa so với các tiêu chuẩn mà Bộ GD&ĐT đưa ra. Trong điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn, nguồn ngân sách đầu tư cho giáo dục hạn chế thì rõ ràng các địa phương, các trường MGMN cần phải có sự chủ động với những giải pháp khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục hơn nữa.