Thực trạng nuôi heo thả rông ở xã Lợi Hải

(NTO) Xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc có dân số gần 12.000 người, trong đó có 82% là đồng bào dân tộc Raglai. Theo UBND xã, địa phương có đến 85% hộ chăn nuôi heo, chủ yếu là thả rông.

Thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, cuối năm 2008, toàn bộ 6 thôn của xã Lợi Hải đã xây dựng các quy ước và hương ước, qua đó, các hộ đã thực hiện ký cam kết “Khu dân cư tự quản về môi trường”. Trong hương ước có quy định các hộ gia đình nuôi heo phải xây dựng chuồng trại, cấm chăn thả rông để không ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng dân cư. Qua cam kết của người dân, cùng với sự nỗ lực tuyên truyền, vận động của chính quyền và đoàn thể, tình trạng nuôi heo thả rông tại xã Lợi Hải từng bước được khắc phục, phần lớn hộ chăn nuôi heo đã thực hiện nuôi trong chuồng, đường làng, ngõ xóm cũng đã sạch sẽ hơn.

 
Đàn heo thả rông ở thôn Bà Râu 1 (xã Lợi Hải, Thuận Bắc).

Tuy nhiên, đến nay tình trạng nuôi heo thả rông vẫn tái diễn, nhất là ở các thôn Bà Râu 1, Bà Râu 2. Anh Chamaléa Mận, Trưởng thôn Bà Râu 1 cho biết: Ban đầu mới triển khai, người dân cũng đã thực hiện được một thời gian, nhưng do ý thức của các hộ gia đình chưa cao nên chẳng bao lâu thì tình trạng heo thả rông lại tái diễn. Mặc dù thôn cũng có Câu lạc bộ “Không nuôi heo thả rông” do Chi hội Phụ nữ thôn quản lý, nhưng chỉ có các hội viên tham gia mới chấp hành.

Trong khi đó, ở thôn Suối Đá lại là điểm sáng trong việc không nuôi heo thả rông của Lợi Hải. Toàn thôn có 435 hộ dân với trên 2.010 khẩu (trong đó dân tộc Raglai chiếm hơn 85%), trên 90% số hộ dân có chăn nuôi heo. Từ đầu năm 2009, sau một tháng ký cam kết thực hiện mô hình “Khu dân cư tự quản về môi trường”, các hộ chăn nuôi heo đã hoàn thành chuồng trại. Tới nay, tình trạng nuôi heo thả rông ở Suối Đá không còn nữa, đường làng, ngõ xóm sạch đẹp. Anh Patâu Axá Thị, Trưởng thôn Suối Đá chia sẻ: Để có được kết quả này, Ban Quản lý thôn đã giao cho lực lượng công an thôn và Tổ an ninh có nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ, quyết liệt trong vấn đề xử phạt. Những hộ gia đình cố ý vi phạm sẽ chịu mức phạt 50.000 đồng với lần đầu, 100.000 đồng với lần 2…Đồng thời, những hộ chăn nuôi vi phạm đều bị nêu tên trên hệ thống loa truyền thanh để người dân trong thôn cùng biết. Bên cạnh đó, thôn không ngừng tuyên truyền cho người dân thấy được lợi ích của việc nuôi heo có chuồng trại không chỉ giữ gìn môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh, đảm bảo mỹ quan thôn xóm mà còn thuận lợi trong chăm sóc, giúp heo phát triển nhanh.

Xã Lợi Hải là trung tâm hành chính của huyện Thuận Bắc, tình trạng ô nhiễm do việc nuôi heo thả rông đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan của huyện. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, anh Nguyễn Hữu Hợp, Phó Chủ tịch UBND xã Lợi Hải cho biết: Vừa qua, xã đã tập hợp lại ý kiến của người dân, soạn thảo lại hương ước, quy ước phù hợp với tình hình thực tiễn của từng thôn, đồng thời áp dụng những giải pháp của thôn Suối Đá cho các thôn cùng làm theo. Xã phấn đấu đến cuối năm nay chấm dứt triệt để tình trạng nuôi heo thả rông.