IMF: Kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều rủi ro

Sáu năm sau khi cơn bão tài chính quét qua Mỹ và châu Âu, kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với nhiều rủi ro cả cũ và mới có thể gây ra những tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới một lần nữa. Đây là nhận định trong báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) về ổn định tài chính toàn cầu công bố ngày 9-4.

Giám đốc Cục thị trường vốn và tiền tệ của IMF Jose Vinals (Hô-xê Vi-nan) cho rằng ổn định tài chính toàn cầu đã được cải thiện song còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng. Theo ông, Mỹ, châu Âu và các thị trường đang nổi đã thực thi các chính sách hiệu quả để đưa kinh tế phát triển đúng hướng. Tuy nhiên mỗi khu vực đều đang phải đối mặt với những thách thức riêng của mình và cần phải có sự quản lý, giám sát chặt chẽ.

Cụ thể, mặc dù các nền kinh tế phát triển đã giảm được một nửa mức thâm hụt so với lúc đỉnh điểm của khủng hoảng, song nợ công trên thực tế vẫn ở mức cao. Do đó, việc củng cố cơ sở tài chính cần phải được duy trì một cách bền vững và đều đặn để giảm tỷ lệ nợ công. IMF bày tỏ mong muốn các nền kinh tế đề ra và thực thi các kế hoạch cụ thể để khôi phục chỉ tiêu ngân sách. Hiện cả Mỹ và Nhật Bản đều chưa thực hiện điều này.

Ông Jose Vinals cho rằng việc chấm dứt các chính sách nới lỏng tiền tệ ở Mỹ cần phải được tiến hành một cách hài hòa và có hối hợp với các biện pháp khác để có thể duy trì đà phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng. Theo đánh giá của vị chuyên gia tiền tệ IMF, việc ngừng các chính sách chống khủng hoảng một cách thiếu thận trọng sẽ làm tài chính Mỹ nảy sinh các rủi ro mới.

Cũng trong báo cáo của IMF, các ngân hàng châu Âu vẫn bị đánh giá yếu kém và có nguy cơ nảy sinh các rủi ro tài chính mới do ảnh hưởng từ các chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ và các ngân hàng trung ương châu Âu. Trong khi đó, các thị trường đang nổi bắt đầu xuất hiện nguy cơ thâm hụt do ảnh hưởng từ quyết định siết chặt tiền tệ của Mỹ. Việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) thu nhỏ dần gói cứu trợ kinh tế đang khiến các thị trường mới nổi đối mặt với nguy cơ giảm sút đầu tư và tăng chi phí nợ. IMF cho rằng các nền kinh tế đang nổi, mặc dù chưa phải đối mặt với sự cấp thiết phải củng cố cơ sở tài chính như các nền kinh tế phát triển, song vẫn cần phải có các biện pháp dứt khoát để kiềm chế thâm hụt.

Theo TTXVN