Khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách

Sáng 10-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để cho ý kiến hoàn thiện về một số dự án luật quan trọng sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã dự và phát biểu khai mạc.

 Các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Kỳ họp thứ 7 sắp tới là Kỳ họp có nội dung xây dựng pháp luật rất nặng nề, với nhiều dự án luật lớn, quan trọng. Để đảm bảo tốt nội dung và chương trình Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để xem xét, cho ý kiến đối với các dự án luật: Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Xây dựng (sửa đổi) và Luật Đầu tư công. Đây là 3 dự án có tầm bao phủ rộng lớn, tác động sâu rộng đến các vấn đề kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, được đông đảo cử tri cả nước và dư luận quan tâm theo dõi.

Ngay trong phiên làm việc sáng 10/4, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi).

Một trong những quy định tại dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến là về nguyên tắc hành nghề của công chứng viên “không vì mục đích lợi nhuận”.

Ủng hộ quy định này, đại biểu (ĐB) Trần Du Lịch nhấn mạnh: "Nếu ai chọn nghề công chứng viên thì đừng bao giờ có tư tưởng trục lợi để làm giàu, vì đây là nghề làm công hưởng lương".

Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, đây là quy định xa rời, thiếu thực tế.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) bày tỏ băn khoăn: Trên thực tế, quy định này không khả thi. Các đại biểu phân tích, tư nhân phải tự bỏ vốn để trang trải hoạt động của văn phòng công chứng, phải nộp thuế, phải bồi thường khi có sự việc xảy ra. Vì vậy, họ phải có lợi nhuận. Mặt khác, nếu quy định như dự thảo Luật thì sẽ ảnh hưởng đến chủ trương xã hội hóa công chứng, vì sẽ không khuyến khích được công chứng viên lập văn phòng công chứng.

Một nội dung khác cũng được nhiều ý kiến thảo luận là trách nhiệm của công chứng viên với việc công chứng hay chứng nhận bản dịch giấy tờ.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định công chứng viên chịu trách nhiệm trước người yêu cầu dịch về tính chính xác của nội dung bản dịch và chứng nhận nội dung bản dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội, nhằm đề cao trách nhiệm của công chứng viên trong hoạt động này. Để có thể kiểm soát chất lượng bản dịch, công chứng viên hoặc tổ chức hành nghề công chứng cần lựa chọn cộng tác viên dịch thuật bảo đảm về uy tín, trình độ, đồng thời cộng tác viên dịch thuật phải chịu trách nhiệm đối với công chứng viên về tính chính xác của nội dung dịch theo quy định của pháp luật về dân sự.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, yêu cầu công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của các giấy tờ, nội dung được dịch sẽ vượt quá khả năng của những người này.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho biết, trao đổi với nhiều công chứng viên, họ bày tỏ rất lo ngại nếu phải chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch. Theo đại biểu, "người dịch phải chịu trách nhiệm về bản dịch, còn công chứng viên chỉ chịu trách nhiệm về hình thức” - đại biểu bày tỏ.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, công chứng viên không thể chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch được, vì số công chứng viên có khả năng ngoại ngữ để chịu trách nhiệm nội dung là không đáng kể.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam