Khai thác nước ngầm và nguy cơ nhiễm mặn ở An Hải

(NTO) An Hải (Ninh Phước) là xã bãi ngang, vừa có đồng bằng vừa có biển, với tổng diện tích tự nhiên 2.098 ha. Do địa hình tự nhiên chia cắt, trong 5 thôn của xã có 3 thôn nằm ở vùng đất cát bạc màu là Hòa Thạnh, Tuấn Tú và Nam Cương với diện tích 525,3 ha đất sản xuất nông nghiệp cây ngắn ngày.

Để phục vụ tưới cho cây trồng, người dân ở 3 thôn trên chủ yếu khai thác nước ngầm. Thế nhưng thời gian gần đây, nguồn nước ngầm bị cạn kiệt, một số nơi nhiễm mặn gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, trong đó chịu ảnh hưởng rõ nhất là thôn Hòa Thạnh.

Nguyên nhân thực trạng trên được xác định là do hoạt động khai thác nước ngầm của 3 Công ty: TNHH Giống thủy sản Nam Hải, TNHH Việt Úc và TNHH Hòa Phú. Đồng chí Trương Mai Lĩnh, Bí thư Đảng ủy xã An Hải giải thích: Sau khi có phản ảnh của người dân, từ tháng 5-2013, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Công ty phải giảm ngay 50% số lượng giếng khoan và dịch chuyển về phía thôn Nam Cương khai thác nước ngầm dưới đất ngoài khu vực sản xuất nông nghiệp. Nhưng đến nay các Công ty này vẫn không thực hiện theo cam kết. Ở thôn Hòa Thạnh, chúng tôi tận mắt nhìn thấy những đám rẫy trồng cà rốt, củ cải với diện tích 1,5 ha của ông Trần Văn Cư đang vàng lá vì nước tưới lấy từ giếng khoan đã nhiễm mặn. Cách đó không xa, giáp ranh với vùng đất mà Công ty TNHH Việt Úc đang thuê, dàn ống dẫn nước và thiết bị tưới phun mà ông đầu tư cả chục triệu đồng được đào lên, vứt bỏ ngổn ngang do nước nhiễm phèn bơm lên gây mục nát. Ông Hồ Hợi, một nông dân cùng thôn, chỉ vào rẫy trồng 1,1 ha dưa hấu đang héo rũ, than thở: “Dưa mọc loe hoe, càng tưới trái càng quắt queo lại, vụ trồng này tôi coi như đi đứt”. Hòa Thạnh có 82,7 ha đất canh tác cây nông nghiệp ngắn ngày, trong đó khu vực phía đông thôn chiếm phần lớn diện tích thì hầu hết đều có hiện tượng nhiễm mặn.

 
Dưa hấu trồng bị khô héo vì nước tưới nhiễm mặn
 
 
Hệ thống tưới phun được tháo gỡ vì nhiễm phèn.
Theo báo cáo kết quả của đề tài điều tra, đánh giá chất lượng và trữ lượng nước dưới đất các xã ven biển tỉnh ta do Liên đoàn Địa chất thủy văn, địa chất công trình Miền Nam thực hiện từ năm 2004-2006, thì trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất ở xã An Hải chỉ khoảng 12.331 m3/ngày. Nếu so sánh với nhu cầu sử dụng nước để phục vụ tưới tiêu nông nghiệp và sản xuất giống thủy sản ở 3 thôn Hòa Thạnh, Tuấn Tú và Nam Cương tính vào thời điểm tháng 5-2013 là khoảng 14.000-15.000 m3/ngày, đã vượt giới hạn cho phép.

Để hiểu về vấn nạn khai thác nước ngầm, có lẽ cần nhắc lại câu chuyện đánh thức tiềm năng của dải đất ven biển Hoà Thạnh vốn chỉ dài 3 km. Khởi đầu là một vùng cát khô cằn, hoang hoá sử dụng kém hiệu quả, từ năm 2005 Hòa Thạnh trở thành nơi thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất và kiểm định giống thuỷ sản tập trung mang tên An Hải-Ninh Phước. Sau nhiều năm phát triển, theo thống kê, hiện tại nơi đây đang có 103 cơ sở, tập đoàn, công ty hoạt động, trong đó có 47 công ty trong và ngoài nước. Ngoài ra còn có diện tích 115 ha đìa nuôi tôm thương phẩm. Về bề nổi, vùng nuôi trồng thủy sản này đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, củng cố vững chắc thương hiệu giống thuỷ sản Ninh Thuận. Tuy nhiên đối với người dân địa phương, hưởng lợi đâu không thấy, chỉ thấy rõ nguy cơ giảm lượng nước ngầm và nước biển xâm thực dần. Ông Nguyễn Minh Xoang, Trưởng thôn Hòa Thạnh bức xúc nói: Khi tỉnh quy hoạch sản xuất tôm giống, chỉ tính tới điều kiện thuận lợi về nước biển chứ không lường trước hậu quả khai thác quá mức nước ngầm. Không chỉ tác hại đến cây trồng, ngay trong sinh hoạt, chúng tôi cũng bức xúc không kém vì nước bơm lên đóng phèn phải đợi lắng gần nửa tiếng mới tắm rửa được.

Theo lời kể của ông Nguyễn Minh Xoang, một chứng nhân tường tận diễn biến vụ việc ở vùng đất này, ban đầu chỉ có Công ty TNHH Hòa Phú khai thác nước ngầm tại thôn Phú Thọ (phường Đông Hải, Phan Rang-Tháp Chàm). Dần dần nhu cầu nước ngọt cho sản xuất tôm giống tăng mà nguồn nước ngầm ven biển nhiễm mặn dần, Hòa Phú đã lùi sâu về vùng bàu Sen, gần thôn Tuấn Tú để khai thác mạch nước ngầm. Thấy hoạt động “bán nước” thu lợi nhuận cao, Công ty TNHH Giống thủy sản Nam Hải đã ra khỏi vùng nuôi trồng thủy sản, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của địa phương, thuê đất nông nghiệp của ông Nguyễn Đình Thanh để đóng hàng loạt các giếng khoan. Tương tự, Công ty TNHH Việt Úc cũng mua khoảng 500 m2 đất của nông dân để đóng các giếng khoan lấy nước dưới đất. Qua theo dõi, các nông dân ở Hòa Thạnh, Nam Cương ước hằng ngày có không dưới 6.000 m3 nước khai thác được chở đi bán cho các doanh nghiệp, cơ sở nuôi tôm thịt, tôm giống. Đánh giá về tác động này, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc khai thác nước quá mức của các doanh nghiệp trên đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân.

Trước đây, ở Hòa Thạnh chỉ cần đóng giếng khoan sâu chừng 7m là có nước ngọt, nay phải đóng sâu từ 8-10 m mới đủ nước tưới nhưng cũng chỉ sử dụng thời gian ngắn là nước bị phèn, có bùn và nhiễm mặn. Cứ tình trạng khai thác nước ngầm tiếp diễn, nhất là trong thời điểm khô hạn, không chỉ Hòa Thạnh mà trong tương lai vùng đất nông nghiệp trên cát còn lại gồm 256,4 ha của thôn Tuấn Tú và 186,2 ha của thôn Nam Cương cũng sẽ nhận hậu quả tương tự. Do nguy cơ đó, vào ngày 20-3 tại cuộc họp với UBND xã và đại diện các cơ quan chức năng, đại diện các công ty trên cam kết chậm nhất cuối tháng 4 sẽ dời các công trình khai thác nước dưới đất ra vị trí mới. Tuy nhiên có thể thấy về lâu dài cần có Nhà máy nước hoặc hệ thống dẫn nước phục vụ cho nuôi trồng thủy sản mới là cách khắc phục căn cơ nhất.