Hướng phát triển mới của Thuận Bắc

(NTO) Đồng chí Hà Anh Quang, Bí thư Huyện ủy Thuận Bắc cho biết: Nhờ địa hình vừa có núi, đồi, có đồng bằng, có biển, Thuận Bắc có điều kiện tương đối thuận lợi để phát triển trồng trọt, chăn nuôi, các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản và phát triển du lịch; chưa kể còn có nguồn tài nguyên khoáng sản có thể khai thác phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thuận Bắc về phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2011-2015 đã đề ra mục tiêu phát triển kinh tế tốc độ cao, bền vững; khai thác và phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là công nghiệp và du lịch. Đặc biệt nhấn mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Nhằm khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực khác, nhất là phát huy năng lực tưới của hồ Sông Trâu, hồ Bà Râu, Thuận Bắc chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị chăn nuôi và nông sản hàng hóa thuộc lợi thế của huyện, hướng dẫn nông dân biết cách ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào thực tiễn làm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Trung tâm huyện Thuận Bắc.

 

Huyện Thuận Bắc tái lập vào tháng 7-2005, có diện tích đất tự nhiên 319,2 km2, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 8.623,7 ha. Là vùng đất kiên cường, hừng hực ngọn lửa đấu tranh cách mạng trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Thuận Bắc đang tiếp tục phát huy truyền thống trong công cuộc xây dựng quê hương. Trong những năm qua, dù còn nhiều khó khăn nhưng tranh thủ sự đầu tư của trên, Thuận Bắc đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Chọn kinh tế nông-lâm nghiệp là hướng đi chủ lực, Thuận Bắc đã có chủ trương quy hoạch phân vùng kinh tế hàng hóa, tập trung vào các loại cây trồng thế mạnh như  lúa, mía…, đồng thời khuyến khích người dân khai hoang phục hóa, chuyển đổi đất canh tác từ một vụ thành hai vụ. Theo đó, Thuận Bắc triển khai có hiệu quả các chính sách trợ cước, trợ giá vật tư nông nghiệp; tăng cường cán bộ khuyến nông, khuyến lâm về cơ sở giúp bà con phát triển sản xuất. Từ những bước đi có tính căn bản quyết định, kinh tế nông nghiệp Thuận Bắc từng bước có sự chuyển biến tích cực. Năm 2013, tổng diện tích gieo trồng cây hằng năm trên địa bàn đạt hơn 11.000 ha; sản lượng lương thực đạt 39.000 tấn, đạt 113% kế hoạch đề ra. Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, với tổng số vốn đầu tư toàn huyện trên 65 tỷ đồng, trong đó vốn của tỉnh và huyện 64,5 tỷ đồng, số còn lại do nhân dân đóng góp và lồng ghép các nguồn vốn khác, đến nay các xã trong huyện Thuận Bắc đã hoàn thành Đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới và xây dựng được 19 mô hình sản xuất nông nghiệp. Tận dụng thế mạnh đồng cỏ, Thuận Bắc đã triển khai hỗ trợ nông dân đầu tư chăn nuôi trâu, bò, dê, cừu… Từ các nguồn vốn ưu đãi, chăn nuôi gia súc có sừng phát triển mạnh, nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo, trở nên khá giả qua mô hình trang trại tổng hợp V.A.C.R. Đặc biệt việc đổi mới trong công tác quản lý và sử dụng đất đai đã thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp từng bước phát triển, góp phần duy trì tốc độ kinh tế tăng trưởng khá  trong những năm qua và hạ tỷ lệ giảm nghèo xuống còn 17,29%.

Nhìn ở lĩnh vực công thương nghiệp-dịch vụ và du lịch, Thuận Bắc cũng đã có nhiều khởi sắc đáng ghi nhận. Sự hoạt động ổn định của các nhà máy ( Xi măng Lusk, sản xuất đá Granit,...), cùng với các dự án du lịch (Resort Ganesa- Phước Chiến, Khu Du lịch Bình Tiên, Khu Công nghiệp công nghệ cao Công Hải, Nhà máy sản xuất rau câu Sơn Hải…) đang được triển khai xây dựng cho thấy những tín hiệu mới của một nền kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp-du lịch như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2011-2015 đã đề ra. Năm 2013, tổng giá trị sản xuất các ngành đạt 1.945 tỷ đồng, tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt gần 11,5 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện.

Nông dân Thuận Bắc phát triển diện tích trồng bắp lai cho hiệu quả kinh tế cao.
Ảnh: Văn Miên

Lĩnh vực văn hóa-xã hội có chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt cao; công tác giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho lao động nông thôn có bước chuyển biến tốt; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao luôn duy trì và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, an sinh xã hội được thực hiện tốt. Đơn cử trong năm qua, huyện đã giải quyết việc làm mới cho 870/800 lao động (vượt 9% kế hoạch); đào tạo nghề cho 389/300 lao động (vượt 30%); công nhận 1 trường đạt chuẩn Quốc gia (đạt 100% kế hoạch); 95% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Trong hướng phát triển mới, Thuận Bắc phấn đấu trở thành vùng kinh tế động lực phía Bắc của tỉnh. Mục tiêu nhắm đến năm 2020 là nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế theo hướng công nghiệp, du lịch. Trước mắt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thuận Bắc tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra trong năm nay. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp theo vùng quy hoạch của huyện, xây dựng các vùng trồng trọt điểm thâm canh sản xuất hàng hóa; tích cực thu hút vốn đầu tư và huy động sức dân thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trọng tâm là huy động sức dân với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhất là trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.