Đi, trải nghiệm và yêu quê hương mình hơn

(NTO) Chỉ một ngày khám phá thôi đã thay đổi nhiều lắm suy nghĩ của tôi về quê hương mình. Vẫn còn nhiều nơi để đến, nhiều chỗ để tìm về… còn biết bao điều muốn biết, muốn tìm hiểu… để viết, để kể về Ninh Thuận quê tôi với bạn bè phương xa! Nếu không đi, không được tận mắt ngắm nhìn thì làm sao có thể hình dung và cảm nhận hết được vẻ đẹp và cảnh sắc quê hương.

Tôi là người con Ninh Thuận đang du học tại Liên Bang Nga. Sau những giờ học vất vả, mấy sinh viên Việt Nam chúng tôi thường ngồi lại, kể cho nhau nghe những câu chuyện về quê hương, xứ xở của mình. Đến từ mọi miền đất nước, bạn tôi - đứa tự hào kể về di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, đứa lại thao thao câu chuyện về Thánh địa Mỹ Sơn, Phố cổ Hội An… những địa danh nổi tiếng dường như đã quen thuộc đến nằm lòng với mỗi người dân đất Việt. Đến phần tôi, đám bạn không khỏi háo hức, xen lẫn tò mò khi nghe đến Tháp Chàm, vịnh Vĩnh Hy, gốm Bàu Trúc… Những câu hỏi liên tục của tụi bạn làm tôi ấp úng, tự hỏi mình có phải đã thờ ơ với quê hương? Tôi đã sinh ra và lớn lên trong lòng Ninh Thuận nhưng chưa một lần đi hết vùng đất đầy nắng ấy. Lòng chùng xuống! Tôi đặt mục tiêu cho mình về những chuyến đi khám phá quê hương.

Du học sinh ngành Điện hạt nhân tại Liên Bang Nga.

Những ngày hè 2013, sau hơn 3 năm từ nơi xa trở về, tôi và nhóm bạn tuổi thơ của mình đã cùng thực hiện mục tiêu đó. Chúng tôi chọn điểm đến đầu tiên là vịnh Vĩnh Hy. Sáng sớm khởi hành từ trung tâm Tp. Phan Rang – Tháp Chàm, chạy xe máy qua những con đường dài hun hút dọc theo bờ biển, băng qua những ngọn đèo, những con dốc, những góc cua khúc khuỷu… Sau gần một giờ đồng hồ, toàn cảnh Vĩnh Hy đã hiện lên trước mắt chúng tôi đẹp lạ lùng! Sau khi dừng xe, chụp vài tấm hình kỷ niệm trên đèo, chúng tôi đi qua làng chài Vĩnh Hy, đến khu du lịch để đăng ký đi tàu đáy kính ra vịnh ngắm san hô. Thế giới đại dương như mở ra trước mắt khiến mỗi người đều phải trầm trồ, reo lên thích thú. Tàu dừng lại một hòn đảo nhỏ để du khách thỏa thích khám phá, chiêm ngưỡng cảnh quang hoang sơ hùng vĩ của đất - trời - biển cả… Trên những bè nổi nuôi hải sản, du khách thưởng thức đặc sản của đại dương ngay giữa biển khơi…

Đầu giờ chiều, tôi lên thuyền trở về đất liền và quay trở về thành phố để tiếp tục cuộc hành trình của mình. Điểm dừng chân tiếp theo của nhóm là những làng nghề cổ của người Chăm tại huyện Ninh Phước. Chạy dọc theo Quốc lộ 1A về hướng TP.Hồ Chí Minh, chưa đầy 30 phút chúng tôi đã đến được làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Chúng tôi say mê với những mẫu hoa văn thổ cẩm và bị cuốn hút vào những đôi bàn tay thoăn thoắt trên khung dệt, đôi chân nhịp nhàng… cùng phối hợp vẽ nên từng đường nét mang bản sắc văn hóa quê hương.

Chia tay những nghệ nhân làng dệt, chúng tôi sang làng gốm Bàu Trúc và lại mân mê với những mẫu đồ gốm đủ kích cỡ, muôn vàn kiểu dáng mang đậm màu sắc dân gian. Anh Đàng Năng Đoan, một người con lớn lên từ làng gốm tận tình hướng dẫn chúng tôi tham quan nhà trưng bày sản phẩm của HTX Sản xuất gốm Bàu Trúc; giới thiệu cho chúng tôi những mẫu đồ gốm phổ biến, công dụng, cách chế tạo, và ý nghĩa của những họa tiết được chạm khắc... Theo chân anh, chúng tôi đến thăm và tận mắt chứng kiến những nghệ nhân làm gốm. Chắc chắn, ở nước Nga xa xôi, bạn bè tôi sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi nghe nói về việc làm gốm không cần bàn xoay, không có lò nung... Sẽ càng ngạc nhiên, thán phục hơn khi biết những bình gốm tôi giới thiệu với họ được tạo nên từ những đôi tay khéo léo, đôi chân nhịp nhàng, uyển chuyển của người nghệ nhân di chuyển vòng quanh để gắn kết từng lớp đất lại với nhau, tạo hình cho sản phẩm…

Trời về chiều, chúng tôi lại lên xe, quyến luyến chia tay những người dân hóm hỉnh, mến khách của làng gốm. Thẳng hướng Tỉnh lộ 703, tôi hít căng lồng ngực mùi thơm từ những cánh đồng lúa, no mắt với những giàn nho, giàn táo xanh… Chạy dọc theo bờ sông Dinh về phía hạ nguồn, chúng tôi ghé thăm vườn nho Ba Mọi. Bác Nguyễn Văn Mọi, chủ vườn nho tận tình chỉ dẫn, giới thiệu cho tôi về những giống nho trong vườn, về phương pháp trồng nho sạch theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và quy trình sản xuất rượu vang nho. Bác Ba nói: Mình làm du lịch với mục tiêu lớn nhất là để quảng bá thương hiệu nho Ninh Thuận, quảng bá đặc sản quê hương… Nhãn hiệu nho Ba Mọi cùng với tấm lòng chân chất của người nông dân như bác đã tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách gần xa, khiến bao người đến thăm đem lòng yêu mến mảnh đất nắng gió này…

Chia tay vườn nho của bác Ba Mọi, chúng tôi kết thúc cuộc hành trình bằng việc đi bộ lên ngọn đồi Trầu, khám phá, chụp ảnh lưu niệm tại tháp Pô Klong Garai và ngắm nhìn hoàng hôn đang dần buông xuống Tp.Phan Rang – Tháp Chàm thân yêu.

Chỉ một ngày thôi! Một ngày khám phá tôi đã thấy quê hương đẹp tới dường nào, càng yêu hơn những người dân quê tôi hiền lành, chất phác. Trên mảnh đất nắng gió này, có những người con đang nỗ lực hết mình cho việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê. Còn tôi? Tôi cũng là một người con Ninh Thuận, một người trẻ yêu quê…! Trở lại đất nước Nga xa xôi để tiếp tục học tập, tôi đã mang theo những hình ảnh đầy đủ, sâu sắc hơn về quê hương, đất nước của mình… Tôi đem niềm tự hào chia sẻ với bạn bè khắp năm châu… và tôi biết, để Ninh Thuận, Việt Nam quê hương tôi vang xa hơn nữa trong bạn bè quốc tế… những người con như tôi phải tiếp tục nỗ lực, phấn đấu không ngừng để quay trở về góp sức kiến thiết quê hương!