Tinh thần đoàn kết quốc tế góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế. Thắng lợi này có sự đóng góp quan trọng của các nước XHCN; sự ủng hộ tích cực của các Đảng anh em, nhất là Đảng Cộng sản Pháp; tình hữu nghị, đoàn kết, chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương.

 
Niềm vui chiến thắng
(Ảnh tư liệu. Nguồn: tuyen giao.vn)

Sau ngày Độc lập (2/9/1945), nhân dân Việt Nam một lần nữa lại phải bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong tình thế bị bao vây bốn mặt, thế giới chưa biết mấy đến nền độc lập và cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập của nhân dân ta. Nhận thức được tình thế của đất nước, suốt cuộc kháng chiến, Chính phủ Hồ Chí Minh đã thực hành nhất quán chính sách đối ngoại: “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”[1]. Nhờ đó, trong suốt 9 năm kháng chiến, nhân dân ta đã khai thác, phát huy hết sức mạnh thời đại, sức mạnh của tinh thần đoàn kết quốc tế, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Việt Nam, Lào, Campuchia có nhiều nét tương đồng về tự nhiên, lịch sử - văn hóa. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến xây dựng khối đại đoàn kết và liên minh chiến đấu giữa ba dân tộc. Theo Hồ Chí Minh: “Vì mọi quan hệ khăng khít về địa lý, quân sự, chính trị, v.v... mà ta với Miên, Lào cũng như môi với răng. Hai dân tộc Miên, Lào hoàn toàn giải phóng, thì cuộc giải phóng của ta mới chắc chắn, hoàn toàn. Cho nên nhiệm vụ của ta lại phải ra sức giúp đỡ kháng chiến Miên, Lào một cách tích cực, thiết thực hơn”[2].

Trước hành động xâm lược Đông Dương của thực dân Pháp và tình hình mỗi nước sau năm 1945, Đảng ta và Hồ Chủ tịch nhận định: “Không một dân tộc nào có thể giải phóng riêng rẽ vì Đông Dương ở dưới quyền thống trị duy nhất của đế quốc Pháp về mặt chính trị, kinh tế và binh bị”[3]. Chính phủ Hồ Chí Minh, Chính phủ độc lập lâm thời Lào Ít-xa-la và Ủy ban Cao Miên độc lập đã xúc tiến hình thành một liên minh chiến đấu giữa ba nước. Tuyên bố chung “Đoàn kết Việt - Miên - Lào chống Pháp” ký kết vào tháng 6/1945 và Hiệp định thành lập liên quân Lào - Việt được ký kết vào tháng 10/1945. Từ đây, ba nước Đông Dương vừa giúp nhau tổ chức, xây dựng chính quyền cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT), căn cứ địa kháng chiến; vừa tuyên truyền, vận động, tổ chức quân, dân trực tiếp chiến đấu chống Pháp.

Tháng 3/1951, Mặt trận nhân dân Đông Dương đã hình thành. Từ đây, Việt Nam cùng chiến đấu với các bạn Lào, Miên. Trên tinh thần quốc tế vô sản trong sáng, tình hữu nghị thủy chung son sắt của ba dân tộc, cộng với tinh thần chủ động: “Giúp nhân dân nước bạn tức là tự giúp mình”, Chính phủ, quân đội và nhân dân Việt Nam đã hết lòng, hết sức trực tiếp chi viện và chiến đấu, giúp đỡ các bạn Lào và Miên một cách có hiệu quả. Nhờ đó, ngày 20/1/1949, Quân đội Ít-xa-la, tiền thân của Quân đội nhân dân Lào được thành lập; ngày 19/6/1951, LLVT thống nhất Campuchia - Quân đội Ít-xa-rắc đã ra đời, đánh dấu bước trưởng thành của LLVT hai nước bạn, làm nòng cốt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Cũng từ đây, với sự tự giác, tích cực và giúp đỡ có hiệu quả của chính quyền cách mạng, quân đội và nhân dân Miên - Lào, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của ba nước Đông Dương có nhiều chuyển biến lớn, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Từ năm 1951, quân và dân ba nước Đông Dương liên tiếp giành nhiều thắng lợi trên các chiến trường. Sau thắng lợi của các Chiến dịch: Biên giới, Hòa bình, Tây Bắc, theo yêu cầu của Chính phủ kháng chiến Lào, Quân đội ta cùng với Quân đội Lào mở chiến dịch Thượng Lào. “Từ ngày 8/4 đến 3/5/1953, Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp cùng Quân giải phóng Pathét Lào mở Chiến dịch Thượng Lào, tiến công quân Pháp ở Sầm Nưa… Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào là thắng lợi to lớn của tinh thần quốc tế vô sản, thắng lợi của tinh thần đoàn kết chiến đấu giữa hai dân tộc Việt - Lào”[4].

Đặc biệt, trong Chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954, phối hợp với chiến trường Bắc Bộ, liên quân Lào - Việt đẩy mạnh tiến công trên chiến trường Lào, phân tán, xé lẻ khối cơ động chiến lược của quân Pháp, giải phóng hầu hết Trung Lào, phát triển xuống Hạ Lào, giải phóng cao nguyên Bô-lô-ven. Quân tình nguyện Việt Nam cùng Quân giải phóng Ít-xa-rắc phối hợp cùng tiến công, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, nối liền căn cứ địa Đông và Đông Bắc Campuchia với vùng giải phóng của Lào. Sự phối hợp tác chiến của quân dân ba nước Đông Dương đã tạo điều kiện thuận lợi cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ giành thắng lợi giòn giã, kết thúc chiến tranh, buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, công nhận nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.

Để phá thế bao vây, ngay từ đầu kháng chiến, Chính phủ Việt Nam còn cử nhiều phái viên qua Lào tới Xiêm và Miến Điện, vận động, tranh thủ sự ủng hộ của các nước bạn. Chính phủ Việt Nam được Chính phủ của Thủ tướng Pridi Phanômgiông (Xiêm) đồng ý cho đặt cơ quan đại diện ngoại giao. Khi chính phủ của Thủ tướng Pridi đổ, Việt Nam đã chuyển cơ quan đại diện sang Miến Điện. Khi ấy, Chính phủ Miến Điện rất ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, nên đã hết lòng giúp đỡ. Nhân dân Miến Điện còn có cả một phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. “Ngày nay, người ta còn kể chuyện đoàn tàu chở vũ khí, thuốc men ủng hộ Việt Nam giương cờ đỏ sao vàng băng băng qua nước Miến Điện sang Lào”[5]. Sự giúp đỡ của Miến Điện đã mở cửa cho các đại biểu nước ta đi các nước dự hội nghị quốc tế, tiếp xúc với Chính phủ Ấn Độ, khai thông và thúc đẩy cả một phong trào đấu tranh rộng lớn của nhân dân Nam Á, ủng hộ rất có hiệu quả cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ còn là chiến thắng của tình đoàn kết quốc tế vô sản, của nhân dân các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới, trước hết là các nước XHCN. Năm 1949, với thắng lợi của cách mạng Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước XHCN. Đầu năm 1950, đáp lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam, Trung Quốc, Liên Xô, Triều Tiên, Tiệp Khắc, Cộng hòa dân chủ Đức, Ru-ma-ni, Ba Lan, Hung-ga-ri, Bun-ga-ri, An-ba-ni, Mông Cổ đã công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước ta. Việt Nam được sự đồng tình và ủng hộ của thế giới đấu tranh vì hòa bình và phát triển, đặc biệt là sự ủng hộ của Liên Xô và Trung Quốc.

Từ đây, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam luôn được sự ủng hộ nhiệt tình và có hiệu quả cả về vật chất và tinh thần của nhân dân thế giới, Quân đội ta không ngừng trưởng thành.

Đoàn kết với lực lượng hòa bình, dân chủ, tiến bộ trên thế giới là một trọng tâm chiến lược đoàn kết quốc tế của Chính phủ ta trong kháng chiến. Xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp vừa vi phạm thô bạo quyền dân tộc của Việt Nam, vừa đối lập với trào lưu dân chủ, hòa bình trên thế giới. Chống lại Việt Nam, thực dân Pháp cũng đồng thời chống lại nhân dân yêu chuộng hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới. Vì thế, “cuộc chiến đấu của các dân tộc Đông Dương thực là vì tự do, độc lập của mình mà cũng vì hòa bình và dân chủ trên thế giới. Nó không bị lẻ loi. Nó có một sức hậu thuẫn rộng lớn của phe dân chủ chống đế quốc trên thế giới giúp đỡ”[6].

Để tranh thủ được sự ủng hộ này, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng ta và Chính phủ Hồ Chí Minh là: “Phải làm cho các lực lượng tiến bộ trên thế giới nhận rõ rằng: Ta hy sinh, cố gắng vì hòa bình, dân chủ trên thế giới nữa. Đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, các lực lượng ấy không thể đứng bàng quan hoặc chỉ ủng hộ Việt Nam bằng lời nói mà ủng hộ Việt Nam bằng việc làm”[7]. Chính phủ ta đặc biệt quan tâm đoàn kết với nhân dân tiến bộ Pháp và Đảng Cộng sản Pháp và nhìn thấy sự phân hóa rõ rệt trong nội bộ nước Pháp. Chống lại dân tộc Việt Nam không phải là nhân dân, dân tộc Pháp nói chung, mà chỉ có lực lượng thực dân Pháp hiếu chiến. Dân tộc Việt Nam không có thù oán gì đối với dân tộc Pháp. Do vậy, Đảng và Chính phủ Việt Nam xác định mục tiêu: Làm cho nhân dân Pháp và nhân dân các thuộc địa Pháp tích cực ủng hộ ta, chống lại thực dân Pháp; từ đó chủ trương “liên hiệp với dân tộc Pháp, chống bọn phản động thực dân Pháp”. Hồ Chủ tịch luôn thể hiện rõ quan điểm: “Nhân dân Việt Nam thành thực muốn cộng tác với nhân dân Pháp như anh em trên một căn bản tín nghĩa và bình đẳng”[8].

Thua cuộc trong Thế chiến thứ II, nước Pháp bị tàn phá, quân đội bị tiêu diệt; chính phủ Pháp lại gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và Đông Dương càng làm cho kinh tế nước Pháp thêm khánh kiệt. Nhân dân Pháp coi cuộc chiến tranh này là cuộc chiến tranh bẩn thỉu, phi nghĩa, mất lòng dân nhất trong lịch sử hiện đại. Nhân dân tiến bộ Pháp, đi đầu là những người Cộng sản Pháp, đã xây dựng một mặt trận phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của nhà cầm quyền Pháp, góp phần làm cho 20 chính phủ nối tiếp nhau sụp đổ. Tiêu biểu cho cuộc đấu tranh này là tấm gương anh Hăng-ri Mác-tanh, người vận động công nhân không chuyển hàng sang Việt Nam; chị Ray-mông Ðiêng, người dũng cảm lấy thân mình nằm chắn ngang đoàn tàu không cho chính phủ Pháp chở vũ khí sang Việt Nam. Các bà mẹ, bà vợ Pháp không ngừng đẩy mạnh phong trào đòi chồng con về nước. Cuộc đến thăm Việt Nam của đồng chí Lê-ô Phi-gơ trở thành biểu tượng, đỉnh cao đoàn kết quốc tế, ủng hộ Việt Nam, thúc đẩy hơn nữa phong trào phản chiến... Cuộc chiến của thực dân Pháp và cuộc đấu tranh phản chiến của nhân dân Pháp đã góp phần làm nước Pháp suy sụp và phân hóa. Càng về cuối cuộc chiến, sự phản đối chiến tranh trong lòng nước Pháp càng dữ dội hơn. Đại tướng Henry Navare, trong hồi ký của mình đã thừa nhận, các đảng viên Cộng sản (Pháp) ngay từ lúc này đã tích cực bênh vực Việt Minh. Cuộc chiến tranh này, đối với họ là một “cuộc chiến tranh bẩn thỉu”. Còn với những người khác, đây là “cuộc chiến tranh nhục nhã”, “cuộc chiến tranh không dám xưng tên”[9]. Với chính sách nhân đạo trong đối xử với tù binh của Việt Nam, nên ngay từ đầu cuộc chiến tranh, đã có rất nhiều binh lính Pháp và lính lê dương bỏ hàng ngũ địch chạy về phía ta. “Chúng ta đã tiếp nhận vào hàng ngũ của mình một số chiến sĩ tình nguyện người Nhật Bản, người châu Âu và châu Phi. Họ đến bằng nhiều con đường và vì nhiều lý do khác nhau, nhưng tất cả đều chán ghét cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và không muốn cầm súng chống lại nhân dân Việt Nam”[10]. Trước sự đối xử nhân đạo của ta, họ đã giác ngộ, tự nguyên và tự giác hết lòng ủng hộ, phục vụ cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

Phối hợp và đẩy mạnh phong trào phản chiến trên đất Pháp, chúng ta kịp thời thay đổi chủ trương, không kêu gọi họ bỏ ngũ chạy sang ta nữa, mà đưa ra khẩu hiệu “hòa bình và hồi hương” (Paix et rapatriêment); đơn phương phóng thích ba đoàn tù binh Pháp. Những người được trở về với gia đình, không chỉ ca ngợi chính sách nhân đạo với tù hàng binh, tính chất chính nghĩa của Việt Nam, tố cáo những sai lầm và tội ác của thực dân Pháp, mà còn thúc đẩy mạnh hơn nữa phong trào đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) nói chung, Chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng đã chứng minh: Trong điều kiện một nước nhỏ chống lại một cường quốc, việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế là một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến thắng lợi của cuộc kháng chiến. Thắng lợi này có sự đóng góp của các nước XHCN, “là do nhân dân các nước XHCN anh em, nhất là Liên Xô và Trung Quốc đã hết lòng giúp đỡ... Sự ủng hộ tích cực của các Đảng anh em khác, nhất là Đảng Cộng sản Pháp... Sự ủng hộ của các dân tộc thuộc địa và nhân dân yêu chuộng hòa bình toàn thế giới”[11].

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và XHCN”[12]; “Nhân dân Việt Nam hiểu rõ rằng: đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi, cho nên muốn giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh vĩ đại ấy, điều kiện quan trọng là sự đoàn kết nhất trí giữa các lực lượng tiến bộ trên thế giới, trước hết là sự đoàn kết nhất trí trong phe XHCN, trong phong trào cộng sản quốc tế”[13].

Chiến thắng Điện Biên Phủ để lại bài học quý báu về tình đoàn kết và giúp đỡ quốc tế đối với nhân dân Việt Nam. Phát huy bài học lịch sử đó, nhân dân ta không chỉ đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, mà còn đang giành được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới. Nêu cao và thực hành tốt bài học: “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế”, mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra, là một nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa quan trọng, nhằm phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc ta trong thời kỳ mới.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.220.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.452.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.541.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.594.

[5] Lưu Văn Lợi, Mặt trận ngoại giao trong kháng chiến chống Pháp, http://tulieuvedang,13/12/2011

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.177.

[7] Trường Chinh, Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.248.

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.11.

[9] Henry Navare, Đông dương hấp hối, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội. 2004. tr.15.

[10] Các chiến sĩ Quốc tế trong kháng chiến chống Pháp, 07/10/2007, http://www.vnmilitaryhistory.net

[11] Hồ Chí Minh, Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970, tr.233.

[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.12.

[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.70.