Khi cái nhìn về hôn nhân chưa “chín”

(NTO) Hôn nhân là một trong những quyết định quan trọng của đời người. Vội vàng trong xây dựng gia đình thường dẫn đến cuộc sống hôn nhân thiếu bền vững. Ẩn hiện đằng sau những cuộc “đổ vỡ” không chỉ có nỗi lòng của người lớn mà còn là sự mất mát của những đứa trẻ.

Yêu sớm, cưới vội

Theo thống kê, trong năm 2013, Tòa án nhân dân tỉnh và các huyện, thành phố đã thụ lý 995 vụ, việc ly hôn, tăng 13% so với năm 2012. Xu hướng trẻ hóa độ tuổi ly hôn là thực tế không thể phủ nhận.

Ảnh Minh họa.

Lên xe hoa khi mới 20 tuổi, mộng tưởng về cuộc sống hôn nhân và thực tế lại không đẹp như N.T.T.T (Phước Dân, Ninh Phước) từng nghĩ. Thời gian tìm hiểu nhau không nhiều, nên khi lập gia đình được nửa năm, hai vợ chồng thường nảy sinh những mâu thuẫn. Chồng không có việc làm ổn định, lại ham mê cờ bạc, cá độ bóng đá, không lo làm ăn, mỗi lần chị hỏi đến tiền, anh liền kiếm cớ gây gổ. Sau nhiều lần như vậy, lấy lý do không chịu đựng nổi nhau, hai người đưa đơn ra tòa, xin ly hôn. Cuối cùng, xót xa nhất vẫn là đứa con chưa tròn 1 tuổi.

Có thai với bạn trai khi còn đang học lớp 12, N.T.D. (Phước Thuận, Ninh Phước) phải rời ghế nhà trường, bước vào cuộc sống hôn nhân với H.H. H. Con gái được 1 tuổi, D. đi làm để kiếm thêm thu nhập phụ chồng nuôi con. Gần 2 tuần sau, D. bỏ chồng con theo người bạn trai mới quen nơi làm việc. Thủ tục ly hôn giữa 2 bên diễn ra khá suôn sẻ, không cãi vả, không mắng chửi, không tranh chấp.

Tại phiên tòa khác, nhìn hai vợ chồng trẻ cãi nhau, chủ tọa chỉ biết lắc đầu. Không ai chịu nhường ai, cô vợ còn đưa các điều khoản trong Luật Hôn nhân và Gia đình để “nói chuyện” với quý tòa. Vợ chồng anh N.D.T và chị Đ.N.X.V (Xuân Hải, Ninh Hải) đều là người trí thức, chị là giáo viên tiểu học, anh là kỹ sư xây dựng tại TP.Hồ Chí Minh. Kinh tế gia đình ổn định, thế nhưng khoảng cách về địa lý đã làm cho tình yêu của họ không còn bền vững như xưa, “xa mặt cách lòng”, niềm tin không còn. Với chị, số tiền anh gửi về hàng tháng bao nhiêu cũng không đủ, nỗi nghi ngờ chồng ngoại tình càng lớn dần.

Ông Đoàn Sửu, thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Ninh Phước, đã nhiều năm xét xử án hôn nhân gia đình, cho biết: “Giới trẻ bây giờ yêu sớm, cưới vội nên chưa có đủ thời gian tìm hiểu nhau, thiếu kinh nghiệm sống và kỹ năng ứng xử trong gia đình nên từ những mâu thuẫn rất nhỏ đã không chịu nhượng bộ, dẫn đến cãi cọ. Nhiều lần như vậy, sức chịu đựng không còn, kết cục dẫn đến ly dị. Có nhiều đôi vợ chồng mới cưới được mấy tháng, thậm chí đang trong thời gian hưởng tuần trăng mật vẫn đưa nhau ra tòa với những lý do rất ngô nghê”.

Đằng sau sự đổ vỡ

Sinh nhật 4 tuổi của H. vào giữa tháng 4 này là một cái mốc buồn trong cuộc đời em. 4 tuổi, ba mẹ em li dị. Em sống với ông bà nội, thỉnh thoảng ba đi làm ăn xa về thăm. Còn mẹ thì mỗi năm chỉ đưa em về nhà ngoại chơi 1, 2 lần. Ẩn sau gương mặt hồn nhiên với nụ cười răng sún của cô bé con ấy là gì, không ai biết được. Em còn quá nhỏ để hiểu sự tan vỡ của gia đình mình, quá nhỏ để cảm thấy buồn vì sự không đủ đầy của tình yêu thương dành cho mình. Những người lớn biết chuyện, ai cũng nhìn em và chặc lưỡi “tội nghiệp!” Giữa những quyết định của người lớn, chắc hẳn họ đã không ít lần nghĩ đến sự thiệt thòi của con mình. Cha mẹ chia tay, đứa trẻ dù sống với ai cũng đều phải chịu những khoảng trống khó bù đắp trong suốt cuộc đời.

Quan niệm về hôn nhân-gia đình ở Phương Đông khiến những người một lần “đứt gánh” phải chịu nhiều định kiến, gặp không ít trở ngại trong tình yêu và xây đắp cuộc hôn nhân mới. Anh H. H. H. tâm sự: “Đôi khi gặp một người con gái nào thấy mến mến cũng không dám bày tỏ hay quan tâm, sợ người ta biết mình đã một đời vợ, nghĩ về mình không tốt.” Người đàn ông còn mặc cảm, huống hồ phụ nữ. Muốn “đi thêm bước nữa”, người phụ nữ cũng phải chịu nhiều gièm pha, điều tiếng không hay. Sự mặc cảm trong chuyện tình cảm và đời sống của họ càng khó vượt qua.

Lý do ly hôn dù là do bất đồng quan điểm sống, bạo lực gia đình, kinh tế thiếu hụt, thất vọng về bạn đời hay do có người thứ 3,… cũng đều phá vỡ các mối liên kết gia đình, làm tổn thương tình cảm và tâm hồn của những đứa trẻ.

Ly hôn, ở góc độ nào đó, là sự giải thoát cá nhân khỏi những xung đột, mâu thuẫn trong gia đình. Nhưng nhìn ở góc độ của những đứa con, đó lại là vết thương khó lành nhất trong tâm hồn. Do vậy, trước khi quyết định kết hôn, xây dựng gia đình, hãy sáng suốt và chín chắn, bản lĩnh và trách nhiệm với cuộc sống của chính mình và của những người thân trong gia đình.