Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh "Nói đi đôi với làm"

(NTO) Thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh đang tích cực triển khai chuyên đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về “Nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, thực hiện nói đi đôi với làm”

Nói đi đôi với làm là nguyên tắc đạo đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra cho bản thân để suốt đời Người phấn đấu rèn luyện. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: nói thì phải làm, xây đi cùng với chống và tu dưỡng đạo đức suốt đời.

Trong bài giảng "Tư cách một người cách mệnh", Bác viết:

"Tự mình phải:

Cần kiệm.

Hoà mà không tư.

Cả quyết sửa lỗi mình.

Cẩn thận mà không nhút nhát.

Hay hỏi.

Nhẫn nại (chịu khó).

Hay nghiên cứu, xem xét.

Vị công vong tư.

Không hiếu danh, không kiêu ngạo.

Nói thì phải làm"...

"Nói thì phải làm", mới nghe qua tưởng chừng như rất dễ thực hiện, nhưng để thực hiện được điều đó quả thật không dễ chút nào, cả cuộc đời mình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng phấn đấu làm gương cho sự thống nhất giữa tư tưởng, lời nói với hành động và hiệu quả.

Đối với chúng ta hiện nay cũng vậy, để thực hiện được việc thống nhất giữa lời nói với hành động, lời nói đi đôi với việc làm, là điều không dễ. Đây là cả một quá trình phấn đấu thật sự, nó đòi hỏi cần phải có sự cố gắng, bền bỉ và một quyết tâm. Nếu không giữa lời nói với việc làm rất có thể không thống nhất được. Bởi vì như chúng ta đã biết, bất cứ công việc nào, nhiệm vụ gì, dù lớn hay nhỏ, khó hay dễ, phức tạp hay giản đơn, nhưng nếu không ra sức phấn đấu thì cũng khó thành công hoặc có thành công cũng không được như ta mong muốn. Phải lấy kết quả công việc là thước đo đánh giá cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động. Với các cán bộ, đảng viên nhất là những người đứng đầu thì việc thực hiện lời nói đi đôi với việc làm lại càng quan trọng và cần thiết hơn, vì cán bộ là gốc của mọi công việc, là những tấm gương để quần chúng noi theo. Trong đạo đức, việc nêu gương là biện pháp tốt nhất để cảm hóa con người, chính vì lẽ đó mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy "...Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".

Trên thực tế lời nói đi đôi với việc làm, nói được làm được, sẽ mang lại những hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo. Để thực hiện được lời nói đi đôi với việc làm, mỗi chúng ta khi đề ra công việc phải thật cụ thể, rõ ràng, tránh cách nói chung chung, đại khái và khó hiểu. Khi triển khai công việc phải thực hiện từng bước một, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ dễ đến khó. Nhưng ngược lại nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm thì sẽ không mang lại được kết quả gì thậm chí làm mất lòng tin của mình với mọi người xung quanh. Nếu hàng ngày mình cứ thuyết trình tháo thao bất tuyệt về các bài giảng đạo đức mà chính bản thân mình thì phẩm chất đạo đức tồi thì mình nói ai nghe. Nếu bảo cấp dưới của mình không được chọn việc, không được ngại khó, ngại khổ mà bản thân mình thì lại né tránh những công việc nặng nhọc thì cấp dưới có phục tùng mình không? Nếu rói rằng phải cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, mà bản thân mình lại lười biếng, không hoàn thành những công việc được giao, không tiết kiệm, sống hoang phí, xa hoa... thì những lời nói đó sẽ phản tác dụng giáo dục. Với trình độ giác ngộ và dân trí ngày càng cao, không phải cứ nghe cán bộ nói là quần chúng sẽ làm theo, mà họ xem việc cán bộ làm. Bác Hồ đã chỉ ra rằng nhân dân chỉ quý mến những người có phẩm chất và tư cách đạo đức tốt, vì vậy muốn hướng dẫn họ thì mình phải làm mực thước "Cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh... Phải thật thà nhúng tay vào việc".

Nói đi đôi với làm, nêu gương đạo đức là một nguyên tắc cơ bản trong tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Vấn đề này được Người nêu lên từ rất sớm. Năm 1927, trong cuốn "Đường cách mệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên 23 điều phải có về tư cách một người cách mệnh", trong đó điều thứ 10 là: “Nói thì phải làm” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, trang 260).

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng gắn với tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện nâng cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm là một việc làm có ý nghĩa rất quan trọng nhằm khẳng định chắc chắn lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Chỉ khi khơi dậy được lòng tin tưởng tuyệt đối của nhân dân đối với Đảng thì sự nghiệp cách mạng của Đảng mới tiếp tục cập bến vinh quang, nước ta sẽ sớm thực hiện thành công sự mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, "Xây dựng một nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn"