Phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035

Ngày 9/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 879/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035.

Phát triển đội ngũ lao động có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hiện đại.
Ảnh: Hải Linh

Chiến lược nhằm phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 với cơ cấu hợp lý theo ngành và lãnh thổ, có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập, có công nghệ hiện đại và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu; đội ngũ lao động có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hiện đại.

Đến năm 2035, công nghiệp Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế; đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và có năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo.

Trên cơ sở những mục tiêu này, Chiến lược đưa ra một số nhóm giải pháp đột phá như:

Đổi mới thể chế phát triển công nghiệp, trong đó hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước nhằm khắc phục, hạn chế sự chồng chéo, bảo đảm chính sách ổn định, nhất quán và đơn giản về thủ tục hành chính khuyến khích phát triển sản xuất; tăng cường công tác điều phối phát triển theo ngành, vùng và lãnh thổ, nâng cao hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành nhằm liên kết có hiệu quả giữa các địa phương trong phát triển công nghiệp; tạo sự bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, đặc biệt tập trung nâng cao hơn nữa vai trò của khu vực kinh tế tư nhân thông qua việc thực thi có hiệu quả việc bảo hộ quyền sở hữu và bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực;...

Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, trong đó tập trung tái cơ cấu ngành công nghiệp và tái cấu trúc doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo Đề án đã được phê duyệt; điều chỉnh kịp thời phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước phù hợp với tình hình cụ thể, hoàn thiện và ban hành tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước theo ngành nghề, lĩnh vực;...

Phát triển nguồn nhân lực theo hướng xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp ưu tiên theo từng giai đoạn cụ thể; xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn chất lượng đào tạo ở tất cả các cấp, trước mắt là tiêu chuẩn kỹ năng nghề theo chuẩn quốc tế; hoàn thiện thị trường lao động, dịch vụ giới thiệu việc làm;...

Về công nghệ, tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ có đủ năng lực tiếp thu làm chủ công nghệ mới, sáng tạo công nghệ phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên;...

Về các nhóm giải pháp dài hạn, Chiến lược nêu rõ: xây dựng hệ thống chính sách ưu đãi, thông thoáng gắn với công tác tuyên truyền, xúc tiến đầu tư để thu hút nguồn vốn trong xã hội và đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào phát triển các ngành công nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng quy mô đầu tư cả về nguồn vốn và phạm vi; lựa chọn các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ cần ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện cụ thể của từng giai đoạn; tăng cường sự liên kết giữa các địa phương trong vùng kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển các ngành công nghiệp;...

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam