HỒ SƠ - VỤ ÁN:

Trốn đâu cho thoát

(NTO) Lợi dụng khó khăn của ta trong những năm đầu mới giải phóng, các thế lực thù địch đã kích động, lôi kéo người dân tìm cách vượt biển trốn ra nước ngoài - điều mà chúng vẫn rêu rao là “Tỵ nạn chính trị”. Vấn đề này đã ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Nhằm kịp thời ổn định tình hình, lực lượng công an các cấp đã đấu tranh mạnh mẽ, phát hiện và ngăn chặn nhiều đối tượng móc nối, lôi kéo, tổ chức vượt biển trái phép…

Sau khi nhận được tin báo, vào sáng ngày 3-10-1977, bà Dương Thị Xề trú tại thôn Lạc Tân, xã Phước Diêm, huyện Ninh Hải (nay thuộc huyện Thuận Nam) đến UBND xã báo cáo sự việc chiếc thuyền mang biển số PH-1296NT-HH của gia đình bị đứt dây neo, trôi khỏi bến, gia đình đã tổ chức tìm kiếm nhưng không có kết quả. Lãnh đạo Ty Công an Thuận Hải (cũ) đã cử cán bộ, phối hợp với Công an huyện Ninh Hải và chính quyền xã Phước Diêm nắm tình hình.

Các trinh sát dày dặn kinh nghiệm trực tiếp gặp gỡ đối tượng trình báo sự việc. Tiếp xúc với Dương Thị Xề, bằng linh cảm nghề nghiệp, các đồng chí nhận thấy việc mất thuyền có nhiều biểu hiện nghi vấn. Bởi lẽ trước thất thoát một tài sản lớn như vậy mà thái độ bà Xề rất bình thản, không biểu lộ sự buồn bã hoặc quá lo lắng, nhất là khi trinh sát đặt các câu hỏi nghi vấn thì bà Xề tỏ ra lúng túng, khai báo quanh co.

Tình hình trên được báo cáo về Ban chỉ huy An ninh và lãnh đạo Ty Công an. Đồng chí Trưởng ty chỉ đạo tiếp tục điều tra làm rõ sự việc.

Trong lúc cơ quan công an đang gấp rút triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ để ráo riết truy tìm chiếc thuyền trôi lạc thì vào lúc 15 giờ ngày 4-10-1977, có một đối tượng tự xưng tên Hồ Văn Mẩy, trú tại thôn Lạc Nghiệp, xã Phước Diêm đến UBND xã xin khai báo sự việc có liên quan đến việc mất thuyền của bà Dương Thị Xề. Được sự động viên, giáo dục của các trinh sát, Hồ Văn Mẩy cho biết cách đây mấy ngày, có 2 đối tượng tên là Huỳnh Văn Thanh và Lê Văn Bén (là em rể của Thanh), cùng trú tại thôn Lạc Nghiệp, xã Phước Diêm đã gặp gỡ, móc nối Mẩy tham gia vào việc bán thuyền của gia đình Lê Nấp-Dương Thị Xề cho bọn vượt biển trốn ra nước ngoài.

Sau khi xác minh lời khai của Hồ Văn Mẩy, cơ quan An ninh Điều tra đã nhanh chóng bắt khẩn cấp 2 tên Bén và Thanh; đồng thời triệu tập vợ chồng Lê Nấp-Dương Thị Xề lấy lời khai. Sau hơn 1 giờ triển khai lực lượng, cơ quan Công an chỉ bắt được Lê Văn Bén, triệu tập được Dương Thị Xề, còn Lê Nấp, Huỳnh Văn Thanh sau khi biết Mẩy đến khai báo tại chính quyền địa phương đã bỏ trốn. Đến 19 giờ cùng ngày Lê Nấp đến trình diện tại cơ quan Công an.

Quá trình đấu tranh xét hỏi, Lê Văn Bén và Lê Nấp khai báo như sau: Vào đầu tháng 3-1977, tên Huỳnh Văn Thanh vào TP. Hồ Chí Minh móc nối được với một nhóm người đang có ý định vượt biển trốn ra nước ngoài. Tại đây, nhóm người trên đã đặt vấn đề nhờ Thanh tìm mua thuyền, dầu, tổ chức vượt biển tại địa bàn Cà Ná và sẽ được trả tiền công hậu hĩnh. Thấy có thể kiếm được số tiền lớn trong phi vụ làm ăn béo bở này nên Thanh đồng ý rồi vội vàng bắt xe đò về lại Phước Diêm. Tuy nhiên, biết không thể kham nổi một mình mà phải tìm đồng bọn, nên khi xuống xe, Thanh đã tới thẳng nhà Lê Văn Bén để rủ Bén cùng tham gia. Được anh vợ bàn chuyện tìm mua thuyền và tổ chức cho nhóm người vượt biển, Bén ưng thuận ngay. Sau khi suy tính, cả hai quyết định hỏi mua chiếc thuyền của ông Lê Nấp. Được vợ chồng Lê Nấp - Dương Thị Xề đồng ý bán với giá 25 lượng vàng, song hứa chỉ nhận 20 lượng, còn 5 lượng cho Thanh và Bén, thì Thanh và Bén đã gặp gỡ, móc nối với Hồ Văn Mẩy, rồi gặp nhóm người vượt biển để nhận tiền đặt cọc mua thuyền gồm 5 lượng vàng và 800 đồng để mua can nhựa đựng dầu. Sau khi đưa tiền đặt cọc cho gia đình Lê Nấp, số tiền còn lại Thanh và Bén đã mua dầu chở ra địa điểm trước chùa Cà Ná (còn gọi là Cà Ná quán) để cất giấu. Đồng thời Huỳnh Văn Thanh và đồng bọn đã vạch một kế hoạch hết sức hoàn hảo, kể cả tạo yếu tố ngoại phạm đề phòng cơ quan chức năng phát hiện...

Theo đó, ngày 30-9-1977, Dưong Thị Xề nhờ Hồ Văn Mẩy, Lê Văn Bén đem thuyền từ trong sông ra bến đậu và nói là lấy thuyền đi chở lưới mướn. Cùng ngày Lê Nấp giả vờ đi Phú Yên mua lưới giả cào. Trước khi đi, Lê Nấp dặn Huỳnh Văn Thanh và Lê Văn Bén phải cẩn thận, đề phòng công an và chính quyền phát hiện. Song, tối đó do có sự cố nên tổ chức vượt biển chưa nhận thuyền và hẹn lại sẽ nhận vào tối ngày 2-10-1977. Do đó Hồ Văn Mẩy được bố trí ở lại để trông coi thuyền. Thanh và Bén tiếp tục giao nhiệm vụ cho Mẩy đến ngày đó có trách nhiệm đưa thuyền tới địa điểm, rồi chuyển người và dầu lên thuyền. Khi làm xong việc, Thanh hứa sẽ chia cho Mẩy 2 lượng vàng và Mẩy đã đồng ý.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện trót lọt việc mua bán thuyền, sợ bại lộ nên Huỳnh Văn Thanh và Lê Văn Bén đã bày mưu, tính kế cho Dương Thị Xề đến UBND xã trình báo việc mất thuyền. Song việc làm của họ đã không che được mắt của cơ quan chức năng. Lực lượng công an kịp thời ngăn chặn một tổ chức vượt biển trái phép.