“Ai khổ nhất”!?

(NTO) Sáng chủ nhật, chở bà xã đi chợ mua thực phẩm, trong lúc chờ vô tình tôi nghe chuyện mấy bác xe ôm tán gẫu. Thấy hay hay chép lại để mọi người đọc cho vui, ai có ý gì hay hoặc lời bình tán gẫu xin gửi đến địa chỉ mail: Hoixeom@chuyengau.com.

Mở đầu bác xe ôm lớn tuổi nhất, có vẻ là hội trưởng lên tiếng: Đố mấy chú trên đời này ai khổ nhất? Anh trẻ tuổi nhất lên tiếng: Bác hỏi cứ như đùa, cánh xe ôm nhà ta là khổ nhất! Này nhé, nắng, mưa, ngày cũng như đêm, nhất là vào mùa gió bấc, đêm đông giá rét cánh xe ôm chúng ta “một nắng, hai sương”, thân giao cho đất, mặt giao cho trời, ngày may mắn kiếm được vài trăm, ngày sui xẻo không có đồng nào đưa vợ được tặng ngay “bài ca đi cùng năm tháng”: Sao mà số tôi nó khổ thế này, chồng có cũng như không….nghe mà não lòng. Anh xe ôm tuổi trung niên không đồng tình lên tiếng: Cánh xe ôm khổ thật nhưng vẫn có đồng ra đồng vào, nếu biết chắt chiu tiết kiệm cũng chưa đến nỗi, khổ nhất có lẽ là bác nông dân. Cứ như vừa rồi, mủ cao su đang được giá đùng cái thị trường Trung Quốc ngừng mua thế là nhà nhà chặt cây cao su trồng cây khác, rồi chuyện khoai lang Nhật ở Vĩnh Long giá từ 16 ngàn đồng xuống còn 6 - 7 ngàn đồng một ký…người làm nông mất cả chì lẫn chài là cái chắc. Rồi anh than thở: Rõ khổ bác nông dân, đã nghèo lại nghèo thêm, thật là “chó cắn áo rách!?”

Câu chuyện đang hào hứng, bỗng chị ngồi bên trông giữ xe hai bánh đưa tay chỉ: Mấy chú nhìn coi khổ nhất là cây cột đèn! Cánh xe ôm đang ngơ ngác thì chị giải thích: Cứ đến ngã tư, ngã năm là thấy rõ nhất. Các chú làm nghề xe ôm khổ là vì chưa biết phân công nhau người này trực ngày, người nọ trực đêm để có thời giờ làm việc khác, phân luồng đưa đón khách để tiết kiệm xăng…; bác nông dân nhiều lúc chỉ nghĩ lợi trước mắt bởi các cơ quan nhà nước, báo đài đã cảnh báo nhưng không nghe, làm ăn theo kiểu phong trào thì khổ là cái chắc. Cây cột đèn (cột điện, cột đèn báo hiệu giao thông) đứng thẳng hàng, hiên ngang là vậy mà ai muốn vẽ, viết dán gì cũng được, nó đâu được quyền “phản đối”. Vậy nên, nghèo chưa phải là “khổ nhất” mà mất quyền ‘LÀM CHỦ” mới là khổ nhất. Nghe xong, mấy bác xe ôm thấy có lý và chủ đề “ai khổ nhất” được chuyển sang bàn về “cái sự khổ” của cây cột đèn. Này nhé, ở các ngã tư đèn xanh, đèn đỏ người ta thi nhau dán lên cột điện, cột đèn báo hiệu giao thông các loại giấy, hình ảnh nào cần tuyển người làm, tuyển lao động, nào sang nhượng đất, cần người làm việc nhà, trông giữ trẻ tại gia, bán cửa tiệm, hút hầm cầu, dịch vụ internet…Đến các hang cùng, ngõ hẻm, cột đèn điện cũng được treo dán đủ loại giấy quảng cáo tương tự. Bác xe ôm tuổi trung niên có vẻ am hiểu lên tiếng: Chính quyền không tìm chỗ để người ta rao vặt thì cột điện, cột đèn báo hiệu giao thông “khổ” là cái chắc, nhưng khổ nhất có lẽ là bộ mặt mỹ quan đô thị xuống cấp và ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ. Thấy vậy, chị giữ xe góp thêm: Nói như bác là chưa đầy đủ, nghe nói báo đài tỉnh đều có mục quảng cáo rao vặt miễn phí trên trang Web của họ, Báo Ninh Thuận còn xúc tiến cùng các huyện, thành phố mở trang rao vặt không thu tiền trên báo in nhưng vì sao người ta vẫn “thích” rao vặt trên cột đèn, cột điện thì chỉ có TRỜI mới biết!? Và không chỉ có vậy, tại các chốt đèn giao thông người ta còn tuỳ tiện phát tờ rơi quảng cáo cho người đi đường để rồi sau đó giấy bay đầy đường…

Nghe chuyện tán gẫu của mấy bác xe ôm, tôi lại nghĩ khác về cái sự “ai khổ nhất”. Cứ theo ông bà ta dạy “trăm dâu đổ đầu tằm” để luận ra thì có lẽ là chính quyền “khổ nhất”. Việc giải phóng cây cột đèn, cột điện khỏi sự “áp bức” của các loại giấy rao vặt quảng cáo, trả lại vẻ đẹp mỹ quan đô thị rất cần sự ra tay của chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở. Nói thì dễ nhưng để thực hiện thì không hề dễ chút nào, bởi để người dân hiểu tự nguyện chấp hành phải có thời gian. Ngoài tuyên truyền vận động người dân cũng cần có hình thức xử phạt nghiêm khắc đủ sức răn đe các hành vi làm xấu bộ mặt mỹ quan đô thị. Thiết nghĩ, ngay hôm nay mỗi chúng ta cần đồng hành chung sức giữ gìn môi trường trả lại vẻ đẹp cho thành phố thân yêu, góp phần xây dựng Ninh Thuận “Xanh - Sạch - Đẹp” cho chúng ta và con cháu mai sau.