CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Nỗi niềm ai tỏ!

(NTO) Bước vào năm học mới, “song hành” với niềm vui trong ngày tựu trường của con em sau mấy tháng hè xa cách hoặc bước vào môi trường học mới- đại học, cao đẳng, thậm chí là trung cấp- nhằm học lấy một nghề để chuẩn bị hành trang vào đời trong tương lai... đó là nỗi lo của không ít các bậc phụ huynh. Vậy lo gì?.

Năm học mới này, đứa con đầu của anh bạn tôi mới nhận giấy báo điểm thi đại học, khả năng đến 99% là đậu ở một trường dân lập, còn đứa út thì vào lớp đầu của cấp THPT. Bạn bè chúc mừng về sự “viên mãn” vì có con học hành cũng... không đến nỗi gì!. Thế nhưng vợ chồng anh bạn tôi vừa mừng lại vừa lo. Mừng thì đã rõ như bạn bè nhìn nhận, còn lo thì... quá to tát. Đó là, lo chỗ ở, học phí, sinh hoạt phí hàng tháng cho đứa con vào đại học để “khởi nghiệp” chí ít cũng không dưới con số chục triệu đồng. Như vậy cũng là đã tiết kiệm lắm!.- Anh bạn tôi nói mà mặt mày méo xẹo.

Phụ huynh mua sách, vở cho con em chuẩn bị bước vào năm học mới 2014-2015.
Ảnh: Sơn Ngọc

Đứa nhỏ thì đỡ hơn, chỉ lo mua sách, học phí, quần áo đồng phục... ít thì cũng mất đứt dăm triệu. - Không lớn lắm nhưng cũng không phải là nhỏ đối với gia đình tôi ông ạ!. Anh bạn lại tắc lưỡi than. Đúng là khó khăn thật nếu nhìn vào thu nhập thật sự của gia đình bạn tôi chỉ thuần nông với vài sào ruộng thì đủ ăn đã là mừng còn nói gì đến tích lũy để đầu tư việc học cho con!.

Chuyện anh bạn tôi suy ra không phải là cá biệt. Gần như trở thành “quy luật” của cuộc lo toan đối với cha mẹ học trò. Người khá giả tuy bớt lo về tài chính nhưng cũng chạy “sốt vó” để chọn trường, chọn thầy cho con học thêm, chọn... “quan hệ” để khi cần có thể nhờ vả. Người khó khăn thì tuy không “được như người ta” nhưng cũng phải lo cho con “tầm sư” để học thêm cho “bằng chúng, bằng bạn” và cơ bản là để được thầy, cô “nâng đỡ” hơn trong học tập mà thôi. Đó là câu chuyện học trong tỉnh, còn như học sau bậc... THPT thì như trường hợp của anh bạn tôi kể trên thì vất vả vô cùng. Có điều hay là, dù khó mấy đi chăng nữa nhưng gần như ít có gia đình nào cho con nghỉ học, mà hầu hết đều “thắt lưng, buộc bụng” với mong muốn cho con học hành thành người có tri thức, có nghề nghiệp hẳn hoi. Những năm gần đây thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng chính sách đã cho sinh viên vay vốn để chi phí cho chuyện học và một số sinh hoạt cần thiết khác. Nhờ đó đã giải quyết một phần khó khăn cho gia đình sinh viên. Tuy nhiên so với nhu cầu thực tế thì gia đình vẫn là “nguồn chi” chính.

Câu chuyện về cho con đi học là câu chuyện dài... nhiều tập với “nỗi niềm biết tỏ cùng ai" đây!. Mong muốn của nhiều phụ huynh: nhà trường cần "thấu cảm" để giảm những khoảng đóng góp chưa cần thiết. Đây cũng là cách gỡ khó cho nhiều gia đình nghèo vậy!.