Siết chặt công tác quản lý các đại lý internet công cộng

(NTO) Do số lượng người sử dụng máy tính cá nhân ngày càng tăng, nên chỉ trong vòng 2 năm, từ 2012 đến nay, số đại lý kinh doanh dịch vụ truy cập internet công cộng toàn tỉnh giảm từ 376 xuống còn 268 đại lý. Tuy số lượng các điểm kinh doanh internet có giảm, nhưng công tác quản lý đối với loại hình dịch vụ này vẫn còn rất nhiều phức tạp.

Nhiều vi phạm

Toàn tỉnh hiện có 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truy cập internet và 268 đại lý internet có thu cước dịch vụ. Tp. Phan Rang- Tháp Chàm là nơi tập trung nhiều nhất các đại lý internet công cộng trong tỉnh. Chỉ tính riêng trên tuyến đường 21 Tháng 8, do đi qua khu vực đông dân cư và nhiều trường học nên đã có cả chục điểm internet tập trung tại đây. Theo quan sát của chúng tôi, cách cổng trường Tiểu học Bảo An I một khoảng dưới 200 m có tới 3 điểm “vây quanh” trường. Ở khu vực nông thôn, tuy số lượng đại lý internet có ít và phân tán hơn nhưng hầu hết thời gian mở cửa và đóng cửa của các đại lý không theo quy định mà phụ thuộc vào người chơi; cũng hiếm thấy phòng máy nào có niêm yết nội quy và trang bị đầy đủ các thiết bị PCCC.

Công tác quản lý các đại lý kinh doanh internet cần được siết chặt.

Theo thống kê của phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự xã hội - Công an tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2014, địa bàn tỉnh xảy ra 46 vụ trẻ em vi phạm pháp luật, tăng 17 vụ so với 6 tháng đầu năm 2013. Điều đáng nói là số trẻ vị thành niên phạm pháp có liên quan đến việc truy cập vào các website có nội dung kích động, bạo lực chiếm một tỷ lệ đáng kể. Có mặt tại một điểm internet trên đường 21 Tháng 8 vào thời điểm nghỉ hè, chúng tôi nhận thấy hầu hết các đối tượng đến đây là thanh thiếu niên: nam thì chơi game bạo lực, xem phim ảnh không lành mạnh; nữ chủ yếu “chat” với bạn bè qua các trang mạng xã hội…, chỉ có một vài người trong số họ đọc báo, khai thác thông tin phục vụ cho việc học…

UBND tỉnh đã ra Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND về việc “Ban hành Quy định quản lý hoạt động đối với các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng, điểm truy cập internet công cộng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”, có hiệu lực thi hành từ ngày 14-4-2014. Trong đó nêu: Các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ truy cập internet công cộng phải đáp ứng các điều kiện như: Địa điểm hoạt động phải cách cổng trường học từ 200m trở lên; có biển hiệu “Đại lý internet” bao gồm tên điểm, địa chỉ, số điện thoại liên hệ, số đăng ký kinh doanh; bảo đảm đủ ánh sáng, độ chiếu sáng đồng đều trong phòng máy; có thiết bị và nội quy PCCC theo quy định; thời gian cung cấp dịch cụ của các đại lý internet từ 6 giờ đến 22 giờ hàng ngày; niêm yết công khai nội quy sử dụng dịch vụ internet như quyền và nghĩa vụ của người sử dụng internet hay các điều cấm… Thực tế, rất nhiều đại lý internet trên địa bàn tỉnh vi phạm ít nhiều các quy định này.

Siết chặt quản lý

Các năm qua, Sở Thông tin và Truyền Thông phối hợp với Công an tỉnh, phòng Văn hóa và Thông tin huyện, thành phố đã tiến hành nhiều đợt thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong vấn đề cung cấp và sử dụng dịch vụ internet. Tính riêng từ đầu năm tới nay, các đơn vị chức năng đã tiến hành thanh tra 13 điểm truy cập internet công cộng, qua đó đã phát hiện các nội dung vi phạm chủ yếu như: 38,4% đại lý để khách hàng sử dụng dịch vụ ngoài giờ quy định; 30,7% đại lý không treo nội quy sử dụng internet tại điểm kinh doanh dịch vụ theo quy định, 46,1% đại lý không niêm yết công khai giá cước tại địa điểm kinh doanh dịch vụ, 7,7% đại lý để người dùng dịch vụ truy cập, xem các thông tin, hình ảnh, phim có nội dung đồi trụy. Bên cạnh đó, một số hợp đồng đại lý internet công cộng đã ký kết với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ còn thiếu các thông tin cần thiết. Qua thanh tra, đoàn đã lập biên bản nhắc nhở 5/13 đại lý; lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt bằng tiền đối với 4/13 điểm với tổng số tiền là trên 5,5 triệu đồng.

Nhìn nhận về nguyên nhân dẫn tới vi phạm của các đại lý internet, ông Nguyễn Tri Long, Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Do các đại lý cung cấp dịch vụ internet vì lợi nhuận mà buông lỏng công tác quản lý, chưa nắm vững các quy định pháp luật của nhà nước có liên quan. Nhiều điểm, chủ cửa hàng hoặc người quản lý phòng máy chưa được đào tạo chuyên môn để hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của khách hàng, để khách hàng tùy tiện sử dụng dịch vụ, vào các website có nội dung xấu... Bên cạnh đó, công tác hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ các quy định và quản lý đại lý internet của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet chưa được thường xuyên.

Ông Đào Xuân Kỳ, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục theo dõi, kiểm tra, mở các cuộc thanh tra đột xuất việc thực hiện các quy định của nhà nước về kinh doanh và sử dụng dịch vụ internet để đưa các cơ sở kinh doanh dần đi vào khuôn khổ.