Ninh Phước: Đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

(NTO) Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể huyện Ninh Phước không ngừng đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) gắn với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng nông thôn mới… và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Là xã có tỷ lệ đồng bào Chăm chiếm đa số, Phước Hữu là một trong những đơn vị đi đầu trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá, xây dựng khối đại đoàn đoàn kết dân tộc. Toàn xã có 2.960 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (chiếm 86%), 7/7 thôn đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”… Để có được kết quả này, những năm qua cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xã không ngừng bám sát cơ sở, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện tốt phong trào. Cụ thể là nhân dân các thôn tự nguyện đóng góp trên 200 triệu đồng xây dựng 7 cổng làng khang trang; các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhân dịp lễ, tết được duy trì, phát triển. Toàn xã hiện có 7 đội văn nghệ, 7 đội bóng chuyền, 2 câu lạc bộ bóng đá… gắn phong trào TDĐKXDĐSVH với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xã thành lập, duy trì hiệu quả hoạt động 12/16 tộc họ tự quản (chủ yếu trong đồng bào Chăm), 41 tổ nhân dân tự quản, 7 tổ hoà giải, góp phần tích cực vào việc giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

Tiết mục múa quạt truyền thống của đồng bào Chăm tại Lễ hội Katê. Ảnh: Thanh Long

Đồng chí Lê Văn Trinh, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ninh Phước, cho biết: Bằng việc thực hiện tốt nội dung phong trào, diện mạo nông thôn mới trên địa bàn huyện ngày càng khởi sắc. Tình trạng nhà ở tạm bợ, dột nát cơ bản được xóa, các địa phương không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,36%. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân theo đó cũng được nâng lên đáng kể. Hằng năm, 100% khu dân cư tổ chức tốt Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc, 30% dân số tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Các phong trào xây dựng khu dân cư tiên tiến, gia đình văn hóa được nhân dân tham gia, hưởng ứng nhiệt tình. Toàn huyện hiện có 26.071 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hoá (chiếm 89,91% số hộ đăng ký), 27/57 thôn văn hóa, 100% khu dân cư xây dựng và thực hiện tốt quy ước, hương ước...

Đồng chí Lê Văn Trinh cho biết thêm: Để phong trào TDĐKXDĐSVH đi vào chiều sâu, thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân tham gia hưởng ứng, thời gian tới bên cạnh việc đẩy mạnh, triển khai đồng bộ phong trào trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, huyện tiếp tục hoàn thành, đưa vào sử dụng hệ thống loa truyền thanh không dây; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch chiêu sinh lớp dạy nhạc cụ truyền thống Chăm, Raglai; tổ chức tốt Lễ hội Ka-tê; duy trì, phát triển văn hóa truyền thống gắn với việc phát triển du lịch, làng nghề, coi văn hóa là nền tảng tinh thần là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển theo hướng bền vững.