Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung

(NTO) Trên toàn tỉnh có 70 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC), mỗi ngày đưa ra thị trường hơn 16 tấn thịt. Sản lượng thịt hơi tiêu thụ ngày càng tăng, trong khi hạ tầng các lò giết mổ chưa hoàn thiện làm cho tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm đang ở mức báo động.

Theo khảo sát đánh giá của ngành chức năng, hầu hết các cơ sở giết mổ GSGC đang hoạt động hiện nay có quy mô nhỏ lẻ, hình thành tự phát. Kết quả phân loại có 33/70 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận kinh doanh, 3/70 cơ sở có Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, 67 cơ sở còn lại không đạt chuẩn vệ sinh thú y theo quy định. Cụ thể, vị trí giết mổ xen lẫn trong khu dân cư, diện tích mặt bằng hẹp, không có quy trình xử lý nước thải, chất thải. Tp. Phan Rang - Tháp Chàm nơi tập trung nhiều cơ sở giết mổ GSGC nhất tỉnh (10 cơ sở), nhưng tất cả đều xuống cấp trầm trọng. Đơn cử như cơ sở giết mổ Mỹ Hương (phường Mỹ Hương) xây dựng gần 1 thế kỷ, đến nay đã quá tải. Lượng gia súc giết mổ lớn, nhưng không thể mở rộng quy mô do nằm trong hành lang bảo vệ đê phía Bắc của sông Dinh.

Thịt gia súc được bày bán ở các chợ .

Những tồn tại nêu trên làm vệ sinh môi trường quanh khu vực cơ sở giết mổ bị ô nhiễm trầm trọng. Đến bờ đê phía Bắc sông Dinh, phường Mỹ Hương vào sáng sớm, dễ nhận thấy cảnh mua bán nhếch nhác. Phía dưới chân đê các cơ sở mổ tập kết hàng trăm con trâu, bò, heo bốc mùi hôi nồng nặc, trên bề mặt bê-tông các tiểu thương bày la liệt bàn thịt ken kín lối đi. Dù các cơ sở đã xây hầm rút, nhưng nước thải vẫn tràn ra ngoài. Đồng chí Phan Đình Hải, Chi cục Phó Chi cục Thú y, lo ngại: Chất thải ở cơ sở giết mổ chưa qua xử lý không những ảnh hưởng môi trường sống của người dân xung quanh, mà còn là mầm móng phát sinh dịch bệnh trên GSGC. Đó là chưa kể đến chủ các cơ sở giết mổ cũng chịu thiệt hại nhiều về kinh tế. Anh Nguyễn Văn Thanh, Chủ cơ sở giết mổ GS, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) cho biết, năm 2005 anh mở rộng cơ sở, xây hầm biogas 700m2, sử dụng hệ thống nước sạch cho hoạt động giết mổ nhằm tạo ra sản phẩm sạch phục vụ người tiêu dùng. Tuy nhiên, mặt hàng thịt dê của anh đưa vào tiêu thụ ở thị trường TP. Hồ Chí Minh thường bị Trung tâm Thú y vùng VI “ách lại” vì không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, gây thiệt hại lớn. Cũng theo anh Thanh, để thịt dê Ninh Thuận vào được những thị trường “khó tính” phải sử dụng dây chuyền giết mổ không tiếp đất, nhưng doanh nghiệp không đủ khả năng tài chính để đầu tư trang bị công nghệ tiên tiến này.

Với quyết tâm lập lại trật tự trong lĩnh vực này, ngày 31-3-2010, UBND tỉnh ban hành Quyết định 665/QĐ-UBND về việc phê quyệt Đề án Quy hoạch cơ sở giết mổ GSGC tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2015. Theo đó, xây dựng 8 cơ sở giết mổ tập trung ở các huyện, thành phố trên toàn tỉnh (trừ huyện Bác Ái). Sau 4 năm thực hiện đề án, mặc dù các ngành, địa phương đã rất cố gắng nhưng kết quả đạt được không như mong đợi. Còn hơn 1 năm nữa là kết thúc thời gian thực hiện đề án nhưng đến nay vẫn chưa có cơ sở giết mổ tập trung nào được xây dựng. Vướng mắc làm cho đề án “dậm chân tại chỗ” là không tìm được địa điểm xây dựng. Đối với Tp. Phan Rang - Tháp Chàm do quỹ đất hạn hẹp nên “đụng đâu” cũng nảy sinh phức tạp. Đồng chí Nguyễn Thị Huệ, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cho biết: Năm 2012, thành phố chọn địa điểm xây dựng cơ sở giết mổ GSGC tập trung tại xã Thành Hải, với diện tích hơn 2 ha, nhưng UBND tỉnh không chấp thuận vì gây mất mỹ quan, môi trường đô thị. Hiện tại thành phố đang đề xuất với UBND tỉnh chọn khu đất rộng 1,2 ha ở khu phố 3, phường Mỹ Đông. Nếu được đồng ý, thành phố sẽ triển khai các bước tiếp theo để sớm hình thành khu giết mổ tập trung. Những địa phương khác như Ninh Hải cũng đang gặp khó trong chọn địa điểm xây dựng: Nếu vị trí nằm xa khu dân cư, đáp ứng yêu cầu về khoảng cách, lại thiếu hệ thống nước sạch, hạ tầng lưới điện, không hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư; còn vị trí ở trung tâm lại khó khăn trong giải phóng mặt bằng, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Đồng chí Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, chỉ có sớm xây dựng khu giết mổ GSGC tập trung mới cung cấp được nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh, tạo thêm chuỗi giá trị trong chăn nuôi. Như thực tế hiện nay, không nhất thiết phải xây dựng dàn trải các cơ sở giết mổ đều khắp, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu điều chỉnh lại dự án cho phù hợp. Trước mắt, tập trung hình thành cơ sở giết mổ ở Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đảm bảo hạ tầng kỹ thuật để năm 2015 thành phố đạt chuẩn đô thị loại II. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt vị trí đất, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng giao thông, điện, nước; đồng thời, thông báo rộng rãi chính sách ưu đãi của tỉnh để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư kinh doanh theo hướng bền vững.