Thế giới trong tuần

1. Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) đã có bài phát biểu quan trọng về chiến lược toàn diện nhằm chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) hôm 11-9. Theo đó, Mỹ sẽ mở rộng chiến dịch không kích vào các mục tiêu của IS không chỉ ở Iraq (I-rắc), mà cả bên trong lãnh thổ quốc gia láng giềng Syria (Xi-ri). Đây được coi là thay đổi lớn trong chính sách của chính quyền Tổng thống Obama sau gần 3 năm quyết định rút toàn bộ lính Mỹ ra khỏi Iraq. Phát biểu của Tổng thống Obama nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cả 2 phe Dân chủ và Cộng hòa, lý do chính là ông Obama đã bày tỏ được thái độ cứng rắn cần thiết, nhất là trong tuyên bố truy sát IS ở cả Iraq và Syria.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, bài phát biểu của Tổng thống Obama một lần nữa cho thấy chính quyền Mỹ vẫn chưa có giải pháp bền vững cho Iraq. Bởi chừng nào Mỹ còn kỳ vọng vào một chính phủ đa đại diện ở Iraq có thể trụ vững ở nước này thì điều đó còn có ý nghĩa là Mỹ sẽ không thể rút khỏi Trung Đông trong nhiều năm tới.

Cũng ngày 11-9, hình ảnh kinh hoàng cách đây 13 năm không bao giờ phai nhạt trong ký ức của người dân Mỹ. Gần 3.000 người bị thiệt mạng trong cuộc tấn công khủng bố làm cả thế giới bàng hoàng. Đối với rất nhiều người dân Mỹ, nỗi lo đang ngày một lớn hơn khi họ chứng kiến cảnh một công dân Mỹ bị nhóm khủng bố hành quyết dã man và một vị Tổng thống đang loay hoay chưa tìm được giải pháp ứng phó với lực lượng IS.

2. Sau những vụ vi phạm lệnh ngừng bắn tại khu vực Đông nam Ukraine (U-crai-na), những ngày qua báo chí Nga đều đưa tin có những tín hiệu khả quan trong việc thi hành lệnh ngừng bắn. Hãng Thông tấn Nga Ria Novosty (Ri-a Nô-vốt-ti) cho biết, các đơn vị quân đội Chính phủ Ukraine đã rút khỏi một loạt các khu vực dân cư vùng Lugansk (Lu-gan-xcơ) và không hề thấy cuộc đụng độ vũ trang nào xảy ra tại khu vực này. Trả lời phỏng vấn hãng Thông tấn Nga Ria Novosty, Phó Thủ tướng nước Cộng hòa tự xưng Donetsk (Đa-nhết-xcơ), Andrei Purgin (An-đrây Pơ-gin) tuyên bố rằng, lực lượng dân quân Donetsk và Lugansk sẽ triệt để tuân thủ thỏa thuận Minsk (Min-xcơ) về ngừng bắn cho dù có hành động khiêu khích từ phía lực lượng quân đội Ukraine.

Nhận định về vai trò của thỏa thuận ngừng bắn, nhiều chuyên gia Nga cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn trong thời điểm này mang ý nghĩa lớn đối với Chính quyền Kiev (Ki-ép), giúp cứu vãn nền kinh tế Ukraine đang bên bờ vực của sự phá sản dưới áp lực của khủng hoảng đang diễn biến trong nước. Tổng thống Nga và Ukraine liên tiếp có các cuộc điện đàm, nhất trí cần tiếp tục các cuộc đối thoại, động thái được đánh giá mở ra hy vọng giải quyết bằng biện pháp ngoại giao, thay vì đối đầu quân sự tại điểm nóng Ukraine. Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh, cần kiểm soát có hiệu quả thỏa thuận ngừng bắn hiện nay thông qua phái bộ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), thúc đẩy viện trợ nhân đạo cho người dân 2 tỉnh Donetsk và Lugansk. Theo các nhà phân tích, những tiến triển tốt đẹp ở Ukraine đã thắp lên hy vọng sớm chấm dứt cảnh xung đột “huynh đệ tương tàn” kéo dài trong 5 tháng qua đã cướp đi sinh mạng của khoảng 2.800 người và khiến 500 nghìn người phải sơ tán, nhiều công trình bị tàn phá nặng nề…

3. Một tin vui mang nhiều hy vọng về sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân nhiễm virus Ebola là Trung tâm Nghiên cứu Vaccine (vác-xin) thuộc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) đã thử nghiệm thành công vaccine ChAd3 trên động vật. NIAID thông báo sẽ bắt đầu thử nghiệm vaccine ChAd3 trên người trong tháng 9 này sau khi có kết quả nghiên cứu khả quan ở khỉ. NIAID tuyên bố là đơn vị đầu tiên phát triển vaccine có khả năng phòng bệnh lâu dài đối với bệnh Ebola, nỗi kinh hoàng đối với “lục địa đen” đã cướp đi gần 2.100 sinh mạng trong tổng số gần 3.950 trường hợp bị nhiễm bệnh, chủ yếu ở Guinea, Liberia và Sierra Leone.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon (Ban Ki Mun) đã kêu gọi các nước và tổ chức quốc tế tăng cường hỗ trợ cuộc chiến chống dịch bệnh Ebola. Ông Ban Ki-moon hoan nghênh những đóng góp của các nước và các tổ chức quốc tế, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết gia tăng hỗ trợ châu Phi về tài chính, phương tiện giao thông, y tế trong nỗ lực đối phó dịch lây lan.