Vấn đề hôm nay:

Giữ thương hiệu dễ hay khó!

(NTO) Những năm gần đây, cùng với phát triển kinh tế đời sống của đại bộ phận người dân đã không ngừng được cải thiện dẫn đến “khó tính” hơn trong tiêu dùng, đặc biệt là rất chú ý đến xuất xứ của hàng hóa, thương hiệu… khi có dịp mua sắm và càng chú trọng hơn đối với những mặt hàng liên quan đến tiêu dùng hàng ngày.

Được biết, bài học sơ đẳng trong làm ăn đó là tạo dựng uy tín bằng tên tuổi của người sản xuất hoặc lớn hơn là thương hiệu của tập thể, doanh nghiệp. Để xây dựng được thương hiệu không phải dễ dàng và sẽ phải mất rất nhiều năm để tự khẳng định chính mình bằng những sản phẩm chất lượng cao, phù hợp thị hiếu, nhu cầu của đại đa số người tiêu dùng. Cho nên có thể nói, tạo dựng thương hiệu đã khó nhưng để duy trì được thương hiệu hay nói khác hơn là giữ được thương hiệu “bền bỉ” trong thị trường đầy cạnh tranh, “mưu mẹo” càng khó gấp trăm lần.

Người tiêu dùng mua táo Ninh Thuận tại siêu thị Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc

Thực tế, chỉ nói riêng trên địa bàn tỉnh ta các cơ sở sản xuất nói chung có thương hiệu chưa nhiều, về mặt hàng nông sản lại càng ít hơn. Gần đây, nhờ sự hỗ trợ đắc lực của ngành chức năng một số sản phẩm như nho, táo, tỏi,… được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và điều đó cũng có nghĩa là đã xác lập được “tên tuổi” trên thương trường, chí ít là thị trường trong nước.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, để “thương hiệu” các sản phẩm đó được “đánh bóng” bằng chất lượng sản phẩm ngày càng cao thì chưa được người sản xuất thậm chí là “chủ thương hiệu” giữ gìn nếu không muốn nói là còn rất xem nhẹ!. Không ít lần du khách và cả người tiêu dùng trong tỉnh phàn nàn về chất lượng tỏi khô mua về để không bao lâu nhưng lúc mang ra dùng thì củ bị lép có khi quá một nửa. Táo đưa ra thị trường không khéo mua phải táo bị sâu… Đó là chưa nói đến dư lượng thuốc trừ sâu còn trong sản phẩm mà hiện tại chưa có cơ quan nào kiểm tra trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường, chủ yếu là dựa vào “ý thức” của người bán. Mới đây có bạn đọc còn than phiền về việc do cả tin vào “thương hiệu” của một cơ sở “mới nổi” khi đặt hàng mua nho, táo để gởi cho người thân ở xa. Kết quả là nho thì chua, táo thì nhạt thếch không sao dùng được! Chưa kể cung cách bán hàng cũng tỏ ra bất cần… Vô hình trung kiểu làm ăn thiếu trung thực đó đã làm cho chính người tiêu dùng trong tỉnh thiếu tin. Dân gian có câu: “Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”. Một khi người tiêu dùng đã không tin thì sức lan tỏa rất nhanh và xem chừng đến một lúc nào đó “thương hiệu” kia sẽ bị chính những "bạn hàng" thân thiết khước từ.

Thiết nghĩ, để uy tín của các sản phẩm trong tỉnh ngày càng được ưa chuộng, nhất là những sản phẩm đã có thương hiệu cần quan tâm đến chất lượng từ sản phẩm đến cung cách tiếp cận, phục vụ… khách hàng.