Chào mừng Đại hội Đại biểu các Dân tộc thiểu số huyện Ninh Sơn lần thứ II:

Đoàn kết các dân tộc, xây dựng quê hương giàu đẹp

(NTO) Ninh Sơn là huyện miền núi có 14 dân tộc thiểu số (DTTS) cùng sinh sống, với 18.758 người, chiếm 22,5% dân số toàn huyện. Phát huy truyền thống anh hùng, đồng bào các dân tộc Raglai, K’Ho, Chăm, Nùng… đoàn kết một lòng tin Đảng, xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp.

Nhìn lại chặng đường 5 năm (2009-2014) thực hiện Chương trình hành động Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ I, huyện Ninh Sơn đạt được những kết quả đáng tự hào. Ngày nay, đến vùng đồng bào DTTS sống tập trung ở xã Ma Nới, Mỹ Sơn, Hòa Sơn, Lâm Sơn… ai cũng cảm nhận được sự đổi thay nhanh chóng.

Trung tâm huyện Ninh Sơn.

Công ty Cổ phần Dệt may Quảng Phú
(xã Quảng Sơn) đi vào sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương.

Bằng sự nỗ lực và quyết tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách dân tộc, kinh tế vùng đồng bào DTTS có bước chuyển biến đáng kể. Các địa phương triển khai nhiều mô hình chuyển đổi, luân canh cây trồng, vật nuôi, chuyển giao ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Mô hình nông-lâm kết hợp đã được áp dụng đối với vùng có rừng, các loại giống cây trồng mới được đưa vào sản xuất ngày càng nhiều, đặc biệt cây bắp lai cho năng suất cao, đạt 5tấn/ha. Ở lĩnh vực chăn nuôi, bà con chuyển dần từ hình thức chăn thả truyền thống sang mô hình nuôi bán thâm canh, nhiều hộ có đàn gia súc hàng trăm con. Trong cộng đồng DTTS xuất hiện ngày càng nhiều gương làm kinh tế giỏi, tiêu biểu như ông Ha Ra Bích (Lâm Sơn), Kator Dú (Ma Nới), Bo Thanh Bang (Mỹ Sơn)…

Thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, huyện đã đầu tư 13 tỷ đồng làm mới, nâng cấp các tuyến đường liên thôn, trường mẫu giáo, trạm y tế; mua sắm máy móc phục vụ sản xuất; hỗ trợ 962 hộ xây dựng nhà ở; khai hoang hơn 52 ha đất sản xuất cấp cho 92 hộ đồng bào DTTS ở xã Ma Nới, Lâm Sơn, Hòa Sơn; đầu tư xây 7 công trình nước sinh hoạt tập trung với kinh phí hơn 8 tỷ đồng. Chính sách đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn làm cho bộ mặt các xã đặc biệt khó khăn, xã nghèo có nhiều khởi sắc. Tháng 4 vừa qua, huyện đã ký kết hợp đồng với Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) triển khai mô hình trồng khảo nghiệm cây ớt ở thôn Tầm Ngân 2 ( xã Lâm Sơn). Kết quả trong thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS đã nâng cao thu nhập của người dân, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn huyện giảm dần qua từng năm, bình quân mỗi năm 2,27%. Từ năm 2009 đến nay có 800 hộ đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững.

Nông dân xã Quảng Sơn mở rộng diện tích trồng mía, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Đồng bào Raglai xã Ma Nới (Ninh Sơn) tham gia Ngày hội Văn hóa Dân tộc Raglai - Ninh Thuận 2013.

Công tác dạy và học ở vùng đồng bào DTTS ngày càng được quan tâm, đội ngũ giáo viên được tăng cường, củng cố, đến nay trên địa bàn huyện có 54 giáo viên DTTS. Các chế độ, chính sách cho học sinh DTTS, như: hỗ trợ tiền ăn, dụng cụ học tập.. được thực hiện kịp thời. Hiện nay, có 34 sinh viên đồng bào DTTS của huyện đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng. Thực hiện phong trào ”Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đồng bào DTTS nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Một số thôn duy trì đội mã la, đội văn nghệ dân gian, hoạt động thường xuyên vào các ngày hội, lễ, tết; nhiều bộ môn thể thao truyền thống như bắn nỏ, đi cà kheo, đẩy gậy.. được khôi phục.

Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, đồng bào DTTS trong huyện đã tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Đội ngũ già làng, người uy tín đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác tham gia thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều gương tiêu biểu trở thành trung tâm đoàn kết các dân tộc như ông Đạo Văn Lung (thôn Lương Tri, xã Nhơn Sơn), Kator Ya Lê (thôn Gòn 1, xã Lâm Sơn), Gia Lức Thương (thôn Hà Dài, xã Ma Nới)...

Có thể nói, những kết quả đạt được đã khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với công tác dân tộc. Trong cuộc sống ấm no hạnh phúc hôm nay, đồng bào các DTTS trên quê hương Ninh Sơn anh hùng luôn tin tưởng vào sự đổi mới của Đảng, ra sức thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đồng chí Hoàng Gia Hưng,
Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn:

Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc đã góp phần quan trọng giúp vùng đồng bào DTTS huyện Ninh Sơn đạt được nhiều thành quả đáng phấn khởi trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững mạnh. Trong những năm tới, Ninh Sơn tiếp tục huy động mọi nguồn lực tập trung phát triển toàn diện về kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng ở địa phương. Trong đó, chú trọng vào 3 nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững; giảm dần thôn, xã đặc biệt khó khăn; giảm tỷ lệ sinh và tập trung công tác phổ cập giáo dục cho con em đồng bào DTTS.

Đồng chí Cà Mau Viên,
Phó Chủ tịch UBND xã Ma Nới:

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ của các cấp, ngành trong tỉnh nên tình hình kinh tế-xã hội ở địa phương đã có nhiều đổi thay. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 4-5%, đa số các hộ thoát nghèo theo hướng bền vững, ổn định về đất sản xuất và có vật nuôi để phát triển kinh tế. Vì vậy, mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thêm nhiều chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn; giáo dục, y tế và các chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế để bà con có điều kiện vươn lên làm ăn, hướng tới thoát nghèo bền vững.

Anh Châm Ngọc Hoàng Lan,
điển hình sản xuất giỏi thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn:

Trước đây gia đình tôi thuộc hộ nghèo, được sự quan tâm của chính quyền địa phương tạo điều kiện cho vay vốn làm ăn và hướng dẫn áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên giờ đây gia đình đã thoát nghèo, có điều kiện chăm lo con cái ăn học đầy đủ. Lần đầu tiên tham dự Đại hội Đại biểu các DTTS của huyện, tôi cảm thấy rất vui mừng và hy vọng sau đại hội sẽ có nhiều hơn nữa những mô hình sản xuất mới, hiệu quả kinh tế cao giới thiệu và nhân rộng đến cộng đồng các DTTS để bà con áp dụng vào thực tế sản xuất, chăn nuôi, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.