Thế giới trong tuần

1. Liên quan đến khủng hoảng chính trị và xung đột kéo dài ở Ukraine (U-crai-na), trong phiên họp ngày 17-9, Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn Dự luật Trao quyền tự trị hạn chế cho khu vực Lugansk (Lu-gan-xcơ) và Donetsk (Đa-nhết-xcơ) hiện đang chịu sự kiểm soát của lực lượng ly khai. Đây là một phần trong kế hoạch hòa bình được Chính quyền Kiev (Ki-ép) và lực lượng ly khai ký hôm 5-9, nhằm chấm dứt nhiều tháng xung đột đẫm máu.

Theo Dự luật do Tổng thống Ukraine Poroshenko (Pô-rô-sên-cô) đề ra được QH nước này thông qua, các khu vực Lugansk và Donetsk được trao quyền tự trị lớn hơn trong 3 năm, mở đường cho quá trình phân cấp chính quyền trên cả nước. Dự luật cũng đưa ra một số quy định chính cho các khu vực trên, bao gồm ân xá cho binh sĩ cả hai phía trong cuộc xung đột đẫm máu kéo dài trong hơn 5 tháng qua; cho phép sử dụng tiếng Nga trong cơ quan chính quyền và tổ chức bầu cử địa phương dự kiến vào cuối năm nay.

Tình hình ở miền Đông Ukraine những ngày qua vẫn căng thẳng. Mặc dù có một lệnh ngừng bắn giữa quân chính phủ và lực lượng ly khai, nhưng thực tế thì cả 2 bên sau đó vẫn cáo buộc lẫn nhau phá bỏ lệnh này. Chính vì vậy, về quy chế đặc biệt cho khu vực Lugansk và Donetsk mà QH Ukraine thông qua được xem là một nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình, nhằm hòa giải dân tộc thông qua sự nhân nhượng của chính quyền trung ương. Trong khi đó, Chính quyền của CHND Donetsk tự xưng cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Một số không mấy hào hứng với đề xuất về quy chế đặc biệt của Tổng thống Poroshenko vì cho rằng không thực tế.

Cũng trong phiên họp đặc biệt này, QH Ukraine và Nghị viện châu Âu đã thông qua một thỏa thuận liên kết lịch sử về chính trị và thương mại giữa Ukraine và EU. Đích thân Tổng thống Ukraine đã ký thỏa thuận quan trọng mà ông hy vọng sẽ góp phần giúp Ukraine cải cách kinh tế, chống tham nhũng và mở rộng khả năng Ukraine gia nhập liên minh này trong tương lai. Đây là thỏa thuận mà cựu Tổng thống Ukraine Victor Yanukovich (Víc-tô Y-a-nu-cô-vích) từ chối ký kết với EU vào tháng 11 năm ngoái, dẫn tới các cuộc biểu tình lật đổ chính phủ của ông này hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, Ukraine và EU chưa thể “ăn mừng” cái gọi là “giây phút lịch sử” nêu trên khi 2 bên quyết định nhượng bộ trước sức ép quyết liệt và mạnh mẽ của Nga bằng việc hoãn thực hiện một thỏa thuận thương mại tự do cho đến năm 2016.

2. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 17-9 đã thông báo những diễn biến mới nhất liên quan đến dịch Ebola đang hoành hành tại khu vực Tây Phi. Theo WHO, dịch Ebola đang diễn biến phức tạp, trong đó có những chỉ trích cộng đồng quốc tế đã chậm trễ trong việc đối phó với dịch bệnh này.

Phát biểu tại Geneva (Thụy Sỹ), đại diện WHO cho biết, dịch Ebola ở Tây Phi đã cướp đi mạng sống của 2.461 người-chiếm một nửa trong số những ca nhiễm bệnh. Trợ lý Tổng Giám đốc WHO cho biết, đã có 4.985 trường hợp nhiễm virus Ebola. Trong đó, tỷ lệ tử vong là 50% trong vòng 21 ngày qua, điều này một lần nữa phản ánh mối quan ngại và sự “leo thang” của dịch Ebola. Và, WHO mô tả: Đây là cuộc khủng hoảng y tế “chưa từng có trong thời hiện đại”.

WHO dự báo, cần hơn 1 tỷ USD, tăng gấp nhiều lần so với dự định 1 tháng trước đây. Để hỗ trợ kinh phí cho cuộc chiến chống virus Ebola, Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) đã lên kế hoạch đề nghị Quốc hội Mỹ thông qua khoản tiền tài trợ 88 triệu USD cho chương trình này. Mỹ cũng công bố kế hoạch gửi 3.000 nhân viên quân sự tới Liberia (Li-bê-ri) với mục đích xây dựng thêm các trung tâm phòng dịch và huấn luyện thêm nhân viên y tế đối phó với dịch bệnh. Liên minh châu Âu cũng kêu gọi các nước thành viên tăng cường hỗ trợ các nhu cầu cấp bách để đối phó với dịch Ebola; đồng thời, EU cam kết chi gần 150 triệu EUR (khoảng 194 triệu USD) để hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng.