Hạn chế tình trạng học sinh bỏ học

(NTO) Tuy chưa thống kế được số liệu chính xác về tỷ lệ học sinh (HS) bỏ học của toàn tỉnh từ đầu năm học đến nay, nhưng ghi nhận tại một số đơn vị trường học cho thấy, công tác vận động học sinh đến trường hiện đang rất khó khăn.

Điển hình như huyện miền núi Bác Ái, tính đến ngày 5-9 mới có 95% HS đến trường; Trường THCS Nguyễn Tiệm (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) đến thời điểm này vẫn còn 33 HS chưa ra lớp, chiếm tỷ lệ 6,3% HS toàn trường… Ngay trung tâm Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, Trường THPT Chu Văn An là trường chuẩn quốc gia cấp THPT duy nhất của tỉnh hiện nay nhưng trong năm học 2013-2014, tỷ lệ HS bỏ học đã là 1,68%, và từ đầu năm học đến nay đã có thêm 15 HS bỏ học, trong đó có 12 HS khối 10 trúng tuyển nhưng không đến làm thủ tục nhập học.

Giờ lên lớp cô và trò Trường THCS Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).Ảnh: Văn Miên

Nhà giáo Lương Văn Lân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: HS bỏ học của trường hầu hết là con em ở các xã vùng ven, bãi ngang với điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn nên dù nhà trường đã nhiều lần cùng giáo viên chủ nhiệm đến tận nhà động viên, nhưng đa số phụ huynh không hợp tác, tỏ thái độ đồng tình cho con em mình nghỉ học để tham gia lao động kiếm sống. Bên cạnh đó, cũng có những em nghỉ học vì học lực kém và cũng có một bộ phận không nhỏ là vì nghiện game mà gia đình không biết, không quản lý. Với thực tế đó, nhà trường xác định: “Việc chống HS bỏ học không lý do là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2014-2015” và triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể: Ban đại diện Cha mẹ HS cùng giáo viên chủ nhiệm đến từng nhà để động viên, tháo gỡ khó khăn, cùng gia đình giúp các em trở lại trường; tổ chức phụ đạo cho HS yếu kém tại trường 4 tiết/tuần; chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm phối hợp chặt chẽ với gia đình để quản lý HS, nhất là những HS có biểu hiện nghiện game, ham chơi. Tuy nhiên, theo Nhà giáo Lương Văn Lân, dù thực hiện giải pháp nào đi nữa thì ý thức và sự phối hợp của phụ huynh là điều hết sức quan trọng. Không ít phụ huynh phải đợi giáo viên tìm đến tận nhà mới biết con mình đã bỏ học. Nhiều phụ huynh khác chỉ thấy cái lợi trước mắt nên đồng tình cho con nghỉ học để đi làm và né tránh mọi cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với nhà trường.

Trường THCS Bùi Thị Xuân (Thuận Bắc) là một đơn vị có tỷ lệ HS bỏ học khá cao, nhưng đầu năm học 2014-2015 này đã nằm trong danh sách những trường được Phòng GD&ĐT huyện biểu dương vì thực hiện tốt công tác vận động HS ra lớp. Cô giáo Nguyễn Thị Thế, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngay từ tháng 8 thì giáo viên của trường đã phải đến từng nhà HS để nhắc lịch tựu trường, động viên các em chuẩn bị bước vào năm học mới. Dựa trên danh sách những HS có nguy cơ bỏ học của năm học 2013-2014, nhà trường thành lập các đoàn cùng chính quyền địa phương đi vận động, giải thích, động viên và tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn cho các em và gia đình. Mặt khác, chú trọng hơn việc nâng cao chất lượng giáo dục, đổi mới phương pháp giảng dạy để thu hút HS, đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các em về ý nghĩa của việc học. “Trường hiện còn 24 HS chưa ra lớp, đều là những trường hợp đã đi lao động khỏi địa phương, giáo viên đã nhiều lần đến nhà trao đổi với phụ huynh nhưng không có kết quả”- Cô Nguyễn Thị Thế cho biết.

Là địa phương thường xuyên nằm trong top đầu của tỉnh về tỷ lệ HS bỏ học, năm học này, ngành GD&ĐT Bác Ái cũng đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để vận động HS ra lớp. Một trong những giải pháp mới đang được thực hiện là tổ chức đêm truyền thông về tầm quan trọng của việc học tại tất cả các xã trên địa bàn huyện. Đồng chí Trần Thùy Vân, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bác Ái cho biết, điều đặc biệt của hoạt động truyền thông này là để cho chính học sinh nói với cha mẹ, bạn bè của mình về ý nghĩa của việc học thông qua việc tái hiện bằng các tình huống trên sân khấu như: “nếu không được đến trường, nếu phải bỏ học đi lao động sớm…thì sẽ như thế nào” và gửi gắm mong muốn, nguyện vọng của mình khi được đến trường. Bên cạnh đó, Bác Ái vẫn duy trì và đẩy mạnh các giải pháp đã thực hiện có hiệu quả từ những năm học trước như: giáo viên đến từng nhà vận động HS, tổ chức hoạt động ngoại khóa, huy động xã hội hóa hỗ trợ chi phí học tập, xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu vui chơi, học tập của HS; phát huy hiệu quả mô hình trường bán trú và tổ chức bữa ăn bán trú tại trường…

Đồng chí Lương Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho rằng: Tất cả các giải pháp để chống tình trạng HS lưu ban, bỏ học đều cần có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, cộng đồng và các cấp chính quyền địa phương. Riêng với các trường, phải thực hiện đổi mới phương pháp dạy học một cách sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng, đặc điểm tâm sinh lý của HS; tăng cường công tác quản lý HS, công tác chủ nhiệm lớp, phân công HS trong tổ, nhóm theo dõi để động viên, giúp đỡ HS có hoàn cảnh khó khăn hoặc thông báo kịp thời cho giáo viên chủ nhiệm khi có hiện tượng bỏ học; thực hiện kịp thời, đẩy đủ chế độ chính sách hỗ trợ HS bán trú, học sinh nghèo vượt khó trong học tập… So với cả nước và một số tỉnh trong khu vực, tỷ lệ HS bỏ học của tỉnh ta đang ở mức cao nhưng trong năm học 2013-2014 và kết quả của những tuần đầu năm học 2014-2015 tỷ lệ HS bỏ học ở một số địa phương đã giảm rõ rệt. Đây là kết quả của sự nỗ lực và hiệu quả của những mô hình, cách làm hay cần được tiếp tục phát huy và nhân rộng.