Tạp bút:

Nhớ bữa cơm chiều

(NTO) Một lần buột miệng ta thán câu trên, lập tức tôi bị phản đối. Thì vẫn ngày hai bữa cơm. Nhờ trời công việc làm ăn vẫn bình ổn. Đời sống mỗi ngày một khấm khá hơn. Bây giờ bữa ăn không chỉ để no mà phải ngon và đầy đủ dinh dưỡng, thậm chí còn dư thừa sinh tố dẫn đến chứng bệnh nhà giàu, bệnh béo phì. Xa lắm rồi thời “hai hạt gạo cõng dạo bốn lát khoai”…

Đã được sướng thì cứ tận hưởng! Hai vợ chồng làm cơ quan, hai đứa con tới trường bán trú. Bữa trưa, cơm bụi. Bữa chiều, bà xã ghé cửa hiệu quen xách vài hộp cơm cùng thức ăn tùy chọn. Người trước kẻ sau, mạnh ai nấy ăn, biết khi nào mà đợi. Cha mẹ có việc cha mẹ, con cái cũng có việc con cái. Họa hoằn gian bếp và phòng ăn mới có một buổi chiều ấm cúng bởi có đủ mặt các thành viên của một mái ấm gia đình. Ôi dào, nấu nướng làm chi cho mệt xác. Bắt vợ vào bếp là chưa giải phóng phụ nữ triệt để. Thôi thì chiều cuối tuần ông xã về sớm một chút, về đưa vợ con đi nhà hàng vừa vui, vừa sang, vừa tiện mà lại hợp với phong cách thị dân.

Ảnh minh họa.

Bạn lý sự cũng phải lẽ! Gia đình bây giờ thường gọn ghẽ kiểu “nhất đại” chứ không như ngày trước thường “tam đại” thậm chí là “tứ đại” đồng đường. Các cụ thì “ăn có nơi, ngồi có chỗ”, được gởi lại quê nhà, đã có anh hai, chị ba sớm hôm hủ hỉ. Miễn sao tháng tháng gởi về cho các cụ ít tiền tiêu vặt, thuốc men là được rồi. Mà đưa các cụ lên thành phố thì chắc gì đã được thuận ý. Các bậc “cây cao bóng cả” cứ mãi “thương nhớ đồng quê” hết thở ra lại thở vào thì mệt lắm. Ngồi một chỗ không yên cứ sờ cái chai, dẹp cái hũ, can mãi không nghe. Sợ các cụ cực, thuê người về phục vụ thì bảo sai khiến, hành hạ người khác là ác đức, không chịu. Cơm lên mâm lên bát mời ăn thì cứ bảo đợi cả nhà đông đủ ăn mới vui. Có bà mẹ già đợi con cháu mãi không được, vừa móm mém và cơm một mình, vừa ứa nước mắt. Hình như mẹ tủi thân mình là người thừa, là gánh nặng của con cháu. Cảm giác lạc lõng thậm chí là bơ vơ ngay giữa phố phường. Ở quê, bữa chiều bên hàng hiên nhà, mẹ còn có mẹ con mái gà, con Miu, thằng Mực, lũ vật nuôi ấy còn biết bầu bạn với tuổi già còn trong ngôi nhà bề thế sang trọng này, ai có việc nấy, chỉ mình mẹ với cái tivi…

Bạn dị ứng kiểu hoài niệm “ngày xưa ơi”cũng phải. Tiếc làm gì những mâm cơm gạo ít, khoai nhiều, bo bo chủ lực ấy. Người không tu cũng phải ăn chay vì thức ăn chủ yếu là thực vật chỉ duy có nước mắm là món có “xuất xứ từ động vật”. Những bữa xếp hàng cả mấy tiếng đồng hồ để mua được miếng thịt mậu dịch cũng lắm nhiêu khê. Xoong thịt kho măng mà không ai nỡ gắp miếng thịt. Cha mẹ nhường các con, anh chị nhường cho em, nhường mãi cuối cùng một “xác” thịt kho được năm bảy “xác” măng. Ừ thì tiếc làm gì, nhưng mà thấy nhớ. Tôi không quên mỗi chiều bà ngoại bưng rá gạo nhón nhén nhặt từng hạt thóc, rồi tẫn mẫn lượm từng hạt gạo rơi vãi, bà bảo phải biết quý hạt ngọc trời cho. Nhưng có lần bà rầy, không cho tôi vùa lũ kiến lấy lại nhúm gạo mà chúng đang tha vội vã lên cây cột hàng ba, vì bà bảo kiến đang tha mồi trốn lụt, nhúm gạo sẽ cứu sống những gia đình bé mọn kia trong cơn hoạn nạn.

Hình ảnh khói bếp lam chiều như còn vấn vương trên trang thơ, trong câu hát và có khi làm chạnh lòng người xa xứ. “Ai nhớ chăng ai, những ngày rau cháo với dưa cà ấy nghèo được sống trong mặn mà…”(Hoàng Thi Thơ).Ai bảo giàu sang thì thiếu “mặn mà”. Nhưng dẫu sao đồng hành với một đời sống phát triển, hiện đại thì khó lòng mà thoát ra khỏi những hệt lụy của nó.

Dù sao tôi vẫn tin rằng, cứu cánh của hành trình nhân sinh là suối nguồn hạnh phúc. Hạnh phúc, thật đơn giản, có khi bắt đầu từ không khí ấm cúng của những bữa cơm chiều trong mỗi gia đình. Hình như trong phim Hàn hay phim Nhật, người ta vẫn thường xuyên bắt gặp khung cảnh đầm ấm những bữa cơm chiều. Ở đó, đầy ắp những cử chỉ và lời yêu thương. Không biết đời thực có giống như phim? Hy vọng ở xứ kim chi hay xứ anh đào không có gã nào rỗi hơi để bỗng dưng hoài niệm bữa cơm chiều, như tôi…