Cần khắc phục hệ thống điện tự kéo ở phường Văn Hải

(NTO) Đi dọc Tỉnh lộ 704 đoạn qua phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), dễ nhìn thấy những cột điện tạm bợ nghiêng ngã bên đường. Mười năm trở lại đây, các khu dân cư trên địa bàn phường ngày càng phát triển, mở rộng. Tuy nhiên, hệ thống trụ điện chưa được lắp đặt đáp ứng kịp nhu cầu sử dụng điện sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Để kéo được điện về nhà, nhiều gia đình tự bỏ tiền kéo đường dây dài hàng trăm mét từ các trạm hạ thế trong làng Nhơn Sơn ra hoặc mua điện của Chi nhánh Điện lực Ninh Hải, khu vực thị trấn Khánh Hải (phía bên kia Tỉnh lộ 704). Hệ thống điện tự kéo neo dây trên các trụ điện thô sơ, chỉ được ghép nối bằng những cây tre, gỗ tạm bợ và băng qua nhiều ruộng, rẫy của người dân. Theo thời gian, nhiều cây gỗ đã mục nát, một số đoạn bị dây leo đeo bám chằng chịt có thể gãy đổ bất cứ lúc nào.

Trụ điện tự kéo không an toàn cho người dân trong mùa mưa bão.

Anh Nguyễn Văn Công, Trưởng khu phố 6 cho biết, đường dây điện tự kéo không chỉ thiếu an toàn mà chất lượng nguồn điện cũng không ổn định, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất tại địa phương. Đường tải điện kéo về quá xa, dây dẫn nhỏ, trong khi số hộ sử dụng lại nhiều, dẫn đến tình trạng quá tải, điện thường bị yếu và chập chờn ở cuối đường dây. Được biết, khu phố 6 nằm trong vùng trồng nho sạch trọng điểm của phường Văn Hải, vì điện yếu nên người dân gặp khó khăn mỗi khi bơm nước tưới hay phun thuốc cho cây trồng.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết thêm, mặc dù sử dụng nguồn điện chất lượng thấp song người dân ở đây vẫn phải trả mức giá khá cao so với giá điện hiện hành. Nhiều năm làm Tổ trưởng tổ điện, ông Nguyễn Sót ở khu phố 6 chia sẻ, để tiết kiệm chi phí lắp đặt, các gia đình thường góp tiền lại kéo chung một đường dây điện. Hiện tổ điện của ông Sót gồm 26 hộ do ông làm tổ trưởng, đứng tên hợp đồng mua điện của Chi nhánh Điện lực Ninh Hải. Đưa chúng tôi xem tờ hoá đơn điện tháng 8-2014, cả tổ tiêu thụ 1.845 kWh, với đơn giá 1.406 đồng/ kWh. Thế nhưng, trên thực tế, các thành viên trong tổ điện phải trả 2.700 đồng/ kWh, nghĩa là cao hơn 1.300 đồng/ kWh so với quy định. Việc kéo dây, đấu nối thiếu đồng bộ kỹ thuật, cộng thêm hệ thống thiết bị, công-tơ không được quản lý, bảo trì thường xuyên dẫn đến nguồn điện năng bị tổn thất lớn. Nếu không có kinh phí lắp đặt đường dây riêng, người dân chỉ còn cách sử dụng chung đường dây, dù tiêu thụ điện ít hay nhiều thì vẫn phải chịu mức giá “bình quân cào bằng” và trả bù thêm phần điện năng thất thoát, hao tổn.

Theo ông Trần Đại, Chủ tịch UBND phường Văn Hải, trên địa bàn có khoảng 180 hộ dân đang sử dụng nguồn điện tự kéo không đảm bảo an toàn, tập trung ở các khu phố 6, 10 và một phần khu phố 12. Trước mối nguy hiểm từ đường dây điện tự kéo, bà con nhiều lần phản ảnh, kiến nghị Công ty Điện lực Ninh Thuận xem xét đầu tư, mở rộng hệ thống lưới điện đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người dân. Phía Công ty Điện lực đã tiếp nhận kiến nghị của người dân, tiến hành khảo sát và đăng ký vào kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản trong năm 2013. Hạng mục thuộc công trình “Cải tạo, mở rộng lưới điện phân phối khu vực Mỹ An, Mỹ Bình, Bình Sơn, Văn Sơn và Hà Rò”, dự kiến triển khai thực hiện trong tháng 8-2013. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các thủ tục đầu tư, do bị trở ngại nên công trình không được cấp phép xây dựng nên đến nay chưa thực hiện, nguyên nhân vì khu vực này chưa có quy hoạch chi tiết.

Rất mong các ngành chức năng sớm tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng trên, tạo điều kiện cho người dân được sử dụng nguồn điện an toàn. Bà con cũng cần nâng cao ý thức trong việc sử dụng lưới điện, thường xuyên kiểm tra, kịp thời thay thế những đường dây điện không đảm bảo an toàn, đề phòng tai nạn xảy ra trong mùa mưa bão.