Giải đáp pháp luật về thi đua, khen thưởng

(NTO) Một số cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành tỉnh hỏi: Trong năm, cá nhân không đăng ký kiến cấp cơ sở thì có được xét sáng kiến không?

Trả lời: Theo qui định tại khoản 2, điều 3 và khoản 2, điều 4, Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2005 thì:

- Căn cứ xét tặng danh hiệu thi đua: Việc xét tặng các danh hiệu thi đua phải căn cứ vào phong trào thi đua; mọi cá nhân, tập thể tham gia phong trào thi đua đều phải có đăng ký thi đua, xác định mục tiêu, chỉ tiêu thi đua; không đăng ký thi đua sẽ không được xem xét, công nhận các danh hiệu thi đua.

- Căn cứ xét khen thưởng: Khen thưởng phải đảm bảo thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, không nhất thiết phải khen theo trình tự có hình thức khen thưởng mức thấp rồi mới được khen thưởng mức cao hơn; thành tích đạt được trong điều kiện khó khăn và có phạm vi ảnh hưởng càng lớn thì được xem xét, đề nghị khen thưởng với mức cao hơn; khen thưởng tập thể nhỏ và cá nhân là chính.”

Theo qui định trên thì việc xét sáng kiến cấp cơ sở không phụ thuộc vào cá nhân có đăng ký sáng kiến cấp cơ sở hay không đăng ký. Sáng kiến có thể hình thành từ ý tưởng (để cá nhân đăng ký) nhưng cũng có thể xuất hiện trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và hiệu quả của sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ là thước đo để Hội đồng Xét duyệt sáng kiến cấp cơ sở công nhận.