Nhớ về "Người giáo viên nhân dân"

(NTO) Ai cũng có thời thơ ấu, niên thiếu cắp sách đến trường với tâm hồn vô tư trong sáng và bao ước mơ hoài bão. Lớn lên đi làm việc rồi tiếp tục đi học dù lúc đó tuổi bao nhiêu, nhưng đã là “học trò” thì tâm hồn ta như trẻ lại, tính cách vô tư nghịch ngợm ngày nào tái hiện trở về. Trong đời mỗi người, có ai nhớ được đã bao nhiêu thầy cô giáo dạy mình học hành nên người nhưng có lẽ đọng lại nét chung nhất là nhắc đến thầy cô giáo xưa chúng ta đều thể hiện thái độ trân trọng về người thầy của mình.

Nhớ về thầy cô giáo của mình, tôi nhớ lại thời “đội bom đến trường” khi giặc Mỹ điên cuồng ném bom phá hoại miền Bắc. Mỗi lần đến trường, trông chúng tôi như những hình nộm, vốn đã nhỏ bé trên đầu lại đội chiến nón rơm to đùng, lưng đeo vòng lá chắn rơm che hết cả người. Đó là vì chúng tôi phải chống bom bi, mảnh bom phá của giặc Mỹ ập đến bất cứ lúc nào trên đường đi học và về. Trường học là căn nhà tạm thấp tè, không cửa chính, cửa sổ, bên trong lớp là đường hào nối liền với đường hào bên ngoài tới các hầm chữ A trú ẩn khi có máy bay giặc quần phá trên bầu trời. Thầy cô giáo không chỉ là người dạy chúng tôi học mà còn là người chỉ huy, hướng dẫn học trò theo đường hào tới hầm trú ẩn khi máy bay Mỹ đến, là nhân viên cứu thương khi có học sinh bị thương và lúc hiểm nguy sẵn sàng lấy thân mình che chắn bảo vệ học trò thân yêu.

Chúng tôi học năm cuối cấp ba (lớp 10) là lúc cả nước đang thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, chỉ còn ít tháng nữa là tốt nghiệp cấp ba tiếp bước vào ngưỡng cửa đại học nhưng nhiều đứa trong lớp đã tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu. Cùng lớp, cùng trường lên suốt quá trình tại ngũ chúng tôi ở cùng đơn vị với nhau, khoảng khắc rảnh rỗi thường cùng nhau ôn lại những kỷ niệm về bạn bè, về thầy cô đã dạy dỗ mình. Chúng tôi nhớ nhất chuyện cô giáo Thuỷ dạy vật lý, hết sức tinh tế nhẹ nhàng. Không chỉ là giáo viên dạy giỏi, cô còn giỏi việc “xử” những cậu học sinh “lắm chiêu, nhiều kế” để lại ấn tượng ngọt ngào trong mỗi học sinh. Đó là lần kiểm tra bài 15 phút đầu tiết học, lớp có 03 bàn trống phía trên cùng (mỗi bàn 05 học sinh ngồi) để cô giáo gọi ngẫu nhiên 03 học sinh lên kiểm tra bài bằng hình thức viết. Để chống lại phương án này và “giúp đỡ” bạn bè lúc không thuộc bài, tôi nhận nhiệm vụ “trợ giúp” bằng cách cùng làm bài kiểm tra rồi chuyển cho bạn. Cô giáo biết nhưng vẫn cho bạn 9 điểm. Cuối giờ học, cô gặp trò “trợ giúp” và trò được “trợ giúp”, không một lời trách móc phê bình cô nói chuyện với chúng tôi như người chị, người mẹ về việc học hành như thế nào, về sự mong đợi của người thân, của thầy cô ở học trò. Cùng với việc gần gũi nhắc nhở, động viên hàng ngày của cô giáo, nhóm chúng tôi từ đó về sau bỏ luôn chiêu “trợ giúp” và nỗ lực giúp nhau học hành giành kết quả tốt nhất. Nhờ vậy, khi trong quân ngũ chúng tôi ý thức hơn việc luyện rèn của mình với phương châm “đổ mồ hôi ở thao trường - bớt đổ máu ở chiến trường”. Sau này, vào học tại Trường Sĩ quan “luộc quân” (Lục quân), nhờ kiến thức thời phổ thông chúng tôi mới tiếp thu được những bài giảng về toán cao cấp như xác suất thống kê trong tính toán đường đi của viên đạn, xác định vị trí đứng quân trên bản đồ dù ngày hay đêm, chuyển đổi toạ độ bản đồ từ GAU (hệ toạ độ của các nước XHCN) sang UTM (hệ toạ độ của Mỹ), triển khai thông tin vô tuyến theo chế độ điều tần, điều biên…Học viên sĩ quan chúng tôi còn được những thầy giáo áo xanh lá cây tận tình chỉ bảo việc nắm chắc tính năng kỹ thuật và sử dụng các loại khí tài hiện đại như xe tăng T55 có khả năng chống phóng xạ nguyên tử, tự nguỵ trang khi tác chiến.., rèn luyện các kỹ năng, bản lĩnh trận mạc, các tình huống trong chiến tranh huỷ diệt và sử dụng vũ khí công nghệ cao.

Còn nhiều lắm những thầy giáo, cô giáo mà trên đường đời nhờ họ mà ta vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống và thành đạt. Trong tháng kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11, tôi chợt nhớ lại những thầy giáo, cô giáo của mình từ thuở “trên những nẻo đường của Tổ quốc thêng thang, có những loài hoa thơm đậm đà ngát hương, có những bài ca nghe rạo rực lòng người, bài ca ấy, loài hoa ấy đẹp như em Người giáo viên nhân dân” với những cảm xúc bất tận về “Người giáo viên nhân dân”!.