Dấu ấn: Sự kiện lịch sử trong nước ngày 15-11

* Sự kiện:

- Ngày 15-11-1948: Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Bệnh tự kiêu, tự ái”. Bài viết đăng trên báo Sự thật, số 102.Theo Bác, tự kiêu tức là cho mình việc gì cũng thạo, cũng làm được. Việc gì mình cũng giỏi hơn mọi người. Mình là thần thánh, không cần học ai, hỏi ai.Tự ái hay chấp nhặt, không can đảm tự phê bình, không ưa những lời phê bình ngay thẳng. Đây là hai thứ bệnh rất nguy hiểm cho đạo đức và công việc.Người khẳng định, tự kiêu nhất định sẽ đi đến thất bại.Theo Bác, phương thuốc để chữa bệnh này là: thật thà tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình cố gắng sữa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm luôn luôn cố gắng học hỏi để luôn luôn tiến bộ thực hành đoàn kết.66 năm đã trôi qua, ý nghĩa của bài viết “Bệnh tự kiêu, tự ái” của Người vẫn còn nguyên tính thời sự, có ý nghĩa quan trọng đối với mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

- Ngày 15-11-1966: Ngày truyền thống Trường đại học Mỏ-Địa chất. Ngày này cách đây 48 năm, Trường đại học Mỏ - Địa chất khai giảng khóa học đầu tiên, tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Từ đó, ngày 15-11 hằng năm được lấy làm ngày truyền thống của trường. 48 năm qua, đã có hơn 50 nghìn kỹ sư và hàng nghìn thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp ra trường, đã và đang đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Nhà trường cũng đã hoàn thành 200 đề tài cấp Nhà nước, 540 đề tài cấp Bộ, hàng nghìn đề tài cấp trường, cùng hàng nghìn hợp đồng khoa học với chất lượng cao.

- Ngày 15-11-1986: Ngọn đuốc “Vì hòa bình và trẻ em trên toàn thế giới” đến Hà Nội sau một cuộc hành trình 86 ngày đêm rước qua 45 nước và 65 thành phố lớn trên thế giới. Cuộc rước đuốc do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) khởi xướng bắt đầu từ 16-9-1986 xuất phát tại trụ sở Liên Hợp Quốc (Niu-Yoóc-Mỹ).

- Ngày 15-11-2004: Khởi công xây dựng Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, trên diện tích 16.000 m2. Tổng vốn đầu tư 6,5 tỷ đồng. Ngày 19-5-2005, UBND thành phố Hà Nội và UBND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức khánh thành công trình này.

- Ngày 15-11-2005: Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành việc giải mã gen virút H5N1 trên gia cầm và người. Đây là công trình khoa học của TS Cao Bảo Vân, Trưởng khoa sinh học phân tử của Viện. Công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo điều kiện để nghiên cứu và sản xuất vắc xin cho người và gia cầm đối với bệnh thuộc chủng vi rút này.

- Ngày 15-11-2008: Khởi công xây dựng Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng. Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng được xây dựng tại ngã tư Trần Phú- Lý Tự Trọng, trên diện tích 23.318m2, gồm 2 tầng hầm, 34 tầng nổi, chia làm 4 phần: phần ngầm, phần đế, phần thân khối tháp và phần đỉnh (ý tưởng thiết kế theo kiến trúc tạo hình ngọn hải đăng dẫn đường và phần đế tạo hình chiếc thuyền kết hợp với mái hình cánh buồm đang vươn ra khơi). Tổng mức đầu tư của dự án là 2.321 tỷ đồng.Công trình được khánh thành ngày 8-9-2014. Đây được xem là một trong những tòa nhà thông minh hàng đầu Việt Nam về hệ thống công nghệ điều khiển và quản lý vận hành. Hiện tại, đây là nơi làm việc của 24 sở, ban, ngành và UBND thành phố Đà Nẵng. Việc đưa Trung tâm Hành chính vào sử dụng góp phần giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và dễ dàng hơn với một nền quản lý hành chính công thân thiện, hiệu quả.

* Nhân vật:

- Ngày 15-11-1923: Ngày sinh nhạc sĩ Văn Cao. Nhạc sĩ Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, quê ở thôn Hào Kiệt, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Văn Cao là một trong những nhạc sĩ hàng đầu của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Ông là tác giả của Quốc ca - bài “Tiến quân ca” bất hủ. Các sáng tác của ông gắn chặt với lịch sử dân tộc, có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp về mặt tinh thần đối với nhiều thế hệ người Việt Nam. Không chỉ là một nhạc sĩ tài năng, Văn Cao còn là một nhà thơ, một họa sĩ tài hoa. Và ở lĩnh vực nào, ông đều đạt được những thành công to lớn. Nhạc sĩ Văn Cao mất ngày 10-7-1995, tại Hà Nội. Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

- Ngày 15-11-1983: Ngày mất nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sinh năm 1924, trong một gia đình tư sản ở Hải Phòng. Cha ông là chủ Hãng Vạn Vân, hãng nước mắm lớn nhất Bắc Kỳ thời ấy. Do đó, ngay từ thời trẻ, Đoàn Chuẩn đã thể hiện lối sống phong lưu, tiêu tiền không cần đếm.Về sự nghiệp sáng tác, mặc dù số lượng ca khúc Đoàn Chuẩn để lại rất ít, chưa đầy 20 bài, song quá nửa trong số ấy được coi là kiệt tác, đến nỗi chỉ cần nhắc tên là bạn yêu nhạc đã cảm thấy xao xuyến. Người ta gọi ông bằng những mỹ từ sang trọng, là ông "vua nhạc tình", là "nhạc sĩ của mùa thu Hà Nội".Có thể kể đến một số nhạc phẩm nổi bật như: "Thu quyến rũ", "Gửi gió cho mây ngàn bay", "Đường về Việt Bắc", "Gửi người em gái", "Cánh hoa duyên kiếp", "Tà áo xanh", "Vàng phai mấy lá", "Chuyển bến", "Lá đổ muôn chiều"...

Theo TTXVN