Vấn đề hôm nay:

Làm du lịch cần bắt đầu từ những việc… không nhỏ!

(NTO) Theo quy hoạch tổng thể, ngành “công nghiệp không khói” tỉnh ta được xếp hạng thứ hai (sau năng lượng) trong 6 nhóm ngành trụ cột và mục tiêu đến năm 2020 cụm ngành này sẽ đóng góp 8% vào GDP và giải quyết 10% lao động xã hội. Đưa ra con số trên để thấy rằng ngành Du lịch đã và đang có triển vọng trong nền kinh tế của tỉnh.

Đến nay, du lịch Ninh Thuận đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến không chỉ với “nắng vàng, biển xanh” quanh năm mà còn ở nhiều danh thắng khác đã và đang được đầu tư khai thác. Về phía tỉnh, để tạo điều kiện cho du lịch phát triển, những năm gần đây tuy còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh ta vẫn dành khoản kinh phí trên 4.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng du lịch như tuyến đường ven biển Bình Tiên-Cà Ná, Bình Sơn-Ninh Chử, Vườn Quốc gia Núi Chúa, các làng nghề như dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, Bàu Trúc…

Tuyến đường ven biển cơ bản hoàn thành đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của du khách.

Mặt khác, còn tạo nhiều điều kiện ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào các khu quy hoạch du lịch, dịch vụ du lịch… với tổng vốn hàng chục ngàn tỷ đồng. Nhờ đó, chỉ trong 2 năm trở lại đây du lịch tỉnh nhà đã thực sự khởi sắc, rõ nhất là lượng du khách trong nước, quốc tế đến khá đông. Nếu năm 2013 toàn tỉnh đã thu hút trên 1,1 triệu lượt du khách, trong đó có trên 95.000 lượt du khách nước ngoài thì đến năm 2014 này ước tính thu hút gần 1,4 triệu lượt, tăng gần 300.000 lượt so với năm trước, tăng 25,5% kế hoạch. Trong số này tuy lượng khách nước ngoài có chựng lại nhưng ước tăng 11,5% kế hoạch. Những con số nêu trên tuy phản ánh khá toàn diện “đời sống” du lịch của tỉnh nhưng theo chúng tôi vẫn thiếu tính “bền vững” bởi nhiều nguyên nhân. Đầu tiên có thể dễ dàng nhận biết đó là thiếu… tính chu đáo từ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các khu, điểm du lịch, nhất là kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ… đến nhận thức của cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch chưa tốt nếu không muốn nói là chưa thân thiện, chưa am hiểu về địa danh du lịch nơi mình sinh sống để khả dĩ làm “hướng dẫn viên” nghiệp dư nếu có du khách cần tìm hiểu. Thứ hai là chưa bảo vệ tốt môi trường, cụ thể là tình trạng rác thải, nước thải từ khu dân cư đến một số cơ sở sản xuất, chế biến… thậm chí tại các khu du lịch biển, làng nghề có đông du khách đến tham quan thường xuyên còn tùy tiện, mạnh ai nấy làm và vô hình trung đã tạo nên hình ảnh không đẹp, gây ấn tượng xấu đến du khách trong và ngoài nước. Thứ ba là chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu tính chuyên nghiệp, quy mô nhỏ. Đó là chưa nói đến các dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí còn khá đơn điệu, chỉ dừng lại ở các hoạt động như Karaoke, tennis, bóng đá mini,… còn các loại hình thể thao có lợi thế từ biển như lướt ván diều, canô, jetski… chưa được phát triển để tạo “cảm hứng” khám phá cho du khách, nhất là du khách nước ngoài. Giá cả cũng là điều đáng quan tâm. Tuy chưa đến mức “chặt, chém” nhưng do thiếu niêm yết công khai tại các cơ sở dịch vụ nhất là ăn uống, giao thông… tạo nên tâm lý “bất an” cho du khách…

Du khách lướt ván trên sóng biển Bình Sơn. Ảnh: Văn Miên

Để phát triển du lịch vững chắc, mang lại lợi ích cho xã hội, việc làm cho nhiều lao động từ thu hút du khách, theo chúng tôi trước mắt cần nhận rõ mặt mạnh để phát huy, mặt yếu để khắc phục. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi và cụ thể hóa từ các ngành, địa phương liên quan theo tinh thần Nghị quyết 07-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, nhằm xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn, tạo sự khác biệt, có tính cạnh tranh cao chí ít cũng trong “tam giác” du lịch: Lâm Đồng-Ninh Thuận-Khánh Hòa để thực sự trở thành ngành kinh tế trụ cột của tỉnh như theo Quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.