Đưa hàng Việt về nông thôn, cần đảm bảo tính bền vững

(NTO) Thực hiện Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”, năm 2014 , ngoài việc tổ chức hàng chục chuyến bán hàng lưu động, tỉnh ta còn tổ chức 4 phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” tại các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Bác Ái và Ninh Sơn. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là theo nhiều người tiêu dùng hàng hóa tại các phiên chợ chưa đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân địa phương.

 Yếu từ khâu phân phối

Sau thành công của 2 Phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” tổ chức tại huyện Ninh Phước và Ninh Hải, từ ngày 19 đến 21-11, phiên chợ thứ 3 tiếp tục được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC&XTTM) tỉnh tổ chức tại xã Phước Đại (Bác Ái). Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trước mỗi phiên chợ, Trung tâm KC&XTTM phối hợp các địa phương thực hiện khá tốt công tác thông tin, cũng như chú trọng đến việc lựa chọn các doanh nghiệp (DN) tham gia. Thế nhưng, qua khảo sát cho thấy, hầu hết các phiên chợ chưa thu hút được các DN có thương hiệu, nên hàng hóa bày bán chỉ mới dừng lại ở dạng trưng bày, giới thiệu hoặc bán buôn, bán lẻ thuần túy chứ chưa kích cầu mạnh được người tiêu dùng.

 
Người dân huyện Bác Ái mua sắm tại Phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn".

Đồng chí Pi Năng Thị Thủy, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái nhìn nhận: Phiên chợ tổ chức tại địa phương là cơ hội để bà con tiếp cận và sử dụng hàng hóa do các DN trong nước sản xuất, nhưng do sản phẩm bày bán còn quá ít, không đa dạng, chỉ mới tập trung các mặt hàng: Thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ dùng, may mặc..., thời gian bán hàng quá ngắn nên có nhiều người dân chưa kịp đến điểm mua đã hết hàng, hoặc phiên chợ đã di chuyển đi nơi khác. Điều này không chỉ làm giảm đi ý nghĩa của chương trình mà cứ sau mỗi phiên chợ thì hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ lại “chiếm lĩnh” nhiều ở vùng nông thôn, miền núi.

Điều dễ nhận thấy tại các Phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” đó là hầu hết các đợt bán hàng chỉ diễn ra trong 3 ngày, nên người dân địa phương ví đây là những đợt “buôn chuyến” của các DN. Hơn thế nữa, trong hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn vẫn còn tình trạng một số DN lợi dụng khuyến mại để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn kho, hàng quá hạn sử dụng. Điểm đáng chú ý nữa đó là số DN tham gia các phiên chợ cũng ngày càng ít dần. Cụ thể, nếu ở phiên chợ tổ chức lần đầu tại huyện Ninh Phước có quy mô 27 gian hàng của 24 DN tham gia, thì đến phiên chợ tổ chức tại huyện Ninh Hải chỉ còn 21 gian hàng của 19 DN tham gia và đến phiên chợ thứ 3 tổ chức tại huyện Bác Ái chỉ còn chưa đến 20 gian hàng của 10 DN tham gia. Theo lãnh đạo Trung tâm KC&XTTM cho biết, có tình trạng này là do một số DN khi tham gia chương trình còn yếu về năng lực tài chính. Bên cạnh đó, bản thân các DN chưa chú trọng đến công tác nghiên cứu thị trường, kỹ năng bán hàng, nên chưa mạnh dạn tham gia.

Cần có giải pháp đồng bộ

Hoạt động đẩy mạnh Phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” tại tỉnh ta trong những năm qua là những nỗ lực đáng ghi nhận. Thông qua công tác tuyên truyền, có thể nói tâm lý “chuộng” hàng ngoại của người dân đã ngày được thay đổi. Điều đó chứng tỏ người tiêu dùng trong tỉnh đã có sự tin tưởng lựa chọn hàng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, do địa bàn nông thôn tỉnh ta tương đối rộng, trong khi đó hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn mới chỉ tổ chức ở quy mô nhỏ, các DN tham gia chương trình này cũng mới chỉ dừng lại ở việc tổ chức bán hàng tại các trung tâm huyện, thị trấn, cụm xã nên bà con ở các khu dân cư vùng sâu, vùng xa tiếp cận hàng hóa sản xuất trong nước vẫn còn ít. Qua trao đổi với các DN được biết, sở dĩ họ chưa mạnh dạn xây dựng mạng lưới phân phối bán lẻ ở vùng sâu, vùng xa là do dân cư sống không tập trung nên sức mua thấp, trong khi đó chi phí vận chuyển đến các vùng này cao hơn các địa bàn trung tâm.

Để việc tổ chức các Phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” thực sự có hiệu quả, theo đồng chí Lê Văn Nguyên, Phó Giám đốc Sở Công Thương, trách nhiệm trước tiên thuộc về các DN. Bởi vì dù có tuyên truyền, vận động người tiêu dùng đến đâu thì sức thuyết phục nhất vẫn là chất lượng và giá cả sản phẩm. Thấy rõ vấn đề này, Sở Công Thương đã đề ra nhiều giải pháp: quy hoạch, nâng cấp và mở rộng mạng lưới chợ nông thôn để thương nhân các địa phương liên kết mua bán hàng hóa; đồng thời phối hợp các địa phương tạo điều kiện về địa điểm để DN triển khai phiên chợ đạt yêu cầu.

Được biết, Phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” thứ tư tổ chức tại huyện Ninh Sơn. Để phiên chợ không mang tính hình thức, thiết nghĩ các ban, ngành, địa phương cần có sự phối hợp vận động DN nêu cao vai trò, trách nhiệm của mình trong sản xuất, kinh doanh và tăng cường cải tiến mẫu mã, sản xuất các mặt hàng phù hợp với người dân nông thôn, nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Bên cạnh đó, các DN cũng cần nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm, nhất là phải tạo dựng được lòng tin cho người tiêu dùng.