Dấu ấn: Sự kiện lịch sử trong nước ngày 17-1

 * Sự kiện

- Ngày 17-1-1960: Cuộc đồng khởi của đồng bào Bến Tre. Cách đây 55 năm, ngày 17-1-1960, dưới sự lãnh đạo của tỉnh ủy Bến Tre, nhân dân các xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh thuộc huyện Mỏ Cày đã nổi dậy đánh đồn bốt, diệt ác ôn, giải tán chính quyền địch, giành lấy quyền làm chủ thôn xã. Đây cũng là lần đầu tiên xuất hiện “Đội quân tóc dài” trong phong trào “Đồng khởi”. Từ ba xã trên, cuộc nổi dậy lan ra toàn huyện Mỏ Cày và tỉnh Bến Tre, trở thành cao trào “Đồng khởi” như nước vỡ bờ nổ ra khắp Nam Bộ, Tây Nguyên và một số nơi ở miền Trung Trung Bộ. Tính đến cuối năm 1960, cả miền Nam có 2.627 xã, người dân đã giành quyền tự quản ở 1.383 xã. Số dân ở vùng giải phóng khoảng 5,6 triệu người.

- Ngày 17-1-1962: Bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nói thật không mất lòng”, ký bút danh T.L, đăng báo Nhân dân số 2857. Sau khi nêu gương một số hợp tác xã đã thi đua theo kịp Đại Phong, tác giả phê bình một số hợp tác xã vẫn thua kém nhiều và nhắc nhở: các chi bộ những nơi đó cần nghiêm khắc tự phê bình và quyết tâm sửa chữa. “Những việc làm này nói thật nhưng không sợ mất lòng vì có lợi cho dân cho nước”.

- Ngày 17-1-1996: Giáo sư Tôn Thất Bách được phong làm viện sĩ Viện hàn lâm giải phẫu Pháp. Giáo sư Tôn Thất Bách sinh ngày 25-2-1946 tại Hà Nội. Ông nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt - Đức, đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam…Ông đã có nhiều đóng góp lớn cho khoa học, đặc biệt đối với sự phát triển của ngành ngoại khoa, là phẫu thuật viên hàng đầu của ngành ngoại khoa Việt Nam. Ông nổi tiếng là nhà phẫu thuật gan, mật, thay van tim không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới. Cuộc đời của Giáo sư Tôn Thất Bách là tấm gương của một thầy thuốc có tài, có tâm và có hoài bão lớn cống hiến cho quê hương đất nước. Cùng với nhiều thầy thuốc tiêu biểu khác, những cống hiến của ông đã làm rạng rỡ nền y học Việt Nam. Ông mất ngày 26-3-2004 trong một chuyến công tác. Đến ngày 20-12-2004, Đại sứ quán Cộng hoà Pháp tại Việt Nam trao cho ông Huân chương Cành cọ hàn lâm - phần thưởng cao quý của Nhà nước Pháp ghi nhận những đóng góp của ông trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế...

- Ngày 17-1-2011: tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật và Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức lễ công bố bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập xuất bản lần thứ ba. Bộ sách xuất bản lần này gồm 15 tập, với hơn 3.300 tác phẩm quan trọng, trong đó được bổ sung hơn 800 tài liệu mới (từ năm 1912 đến 1969) đã được xác minh, thẩm định.

* Nhân vật

- Ngày 17-1-1946: Ngày mất của nhà thơ Bích Khê. Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh ngày 24-3-1916, quê tại Phước Lộc, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Bích Khê được biết là một nhà thơ đi đầu trong phong trào Thơ mới. Ông đến với Thơ mới với nhiều sáng tạo và cách tân độc đáo nhiều tìm tòi trong nghệ thuật tạo hình, cấu trúc, ngôn từ và nhiều cảm xúc lạ, đẹp. Một số bài có ý thơ phóng túng và lời thơ táo bạo. Bích Khê để lại cho hậu thế một kho tàng văn học vô giá. Các tác phẩm tiêu biểu của ông như: “Tinh huyết”, “Tinh Hoa”, “Mấy dòng thơ cũ”... Mỗi bài thơ của Bích Khê mang một dáng vẻ đặc sắc nhưng cái đặc sắc nhất đó là sự huyền bí, hư hư, ảo ảo một phong cách đã làm nên một thiên tài cho thơ văn Việt Nam.

Theo TTXVN