Nâng cao hiệu quả quản lý thu ngân sách

(NTO) Năm 2015, chỉ tiêu thu ngân sách (NS) trên địa bàn tỉnh ta là 1.800 tỷ đồng, trong đó phần thu nội địa do ngành Thuế quản lý là 1.500 tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm ngoái. Báo Ninh Thuận đã có cuộc trao đổi với đồng chí Vũ Đình Trọng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh về các giải pháp thực hiện hoàn thành kế hoạch thu ngân sách năm 2015.

Đồng chí Vũ Đình Trọng
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh

Phóng viên: Đồng chí cho biết, năm 2015, tình hình thu ngân sách (NS) trên địa bàn tỉnh ta có những thuận lợi, khó khăn gì?

Đồng chí Vũ Đình Trọng: Năm 2015, ngành Thuế triển khai nhiệm vụ thu NS trong điều kiện có những thuận lợi, khó khăn đan xen. Thuận lợi là công tác quản lý thu NS đã được các cấp, ngành thường xuyên quan tâm, cơ quan Thuế các cấp thực hiện tốt công tác bao quát hết số lượng đối tượng nộp thuế, nhất là các đơn vị có phát sinh hoạt động chịu thuế không thường xuyên để đôn đốc thu nộp, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, nền kinh tế của tỉnh ta trong vài năm trở lại đây đã tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển dịch đáng kể theo hướng giảm dần lĩnh vực nông nghiệp, tăng dần lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, thuận lợi cho việc tăng thu NS, trong đó đáng chú ý là các dự án đầu tư mới đi vào hoạt động, nhất là Nhà máy Bia Sài Gòn – Ninh Thuận đã góp phần rất lớn làm tăng nguồn thu trên địa bàn tỉnh.

Về khó khăn, đó là tình trạng nợ đọng thuế trong lĩnh vực xây dựng cơ bản của tỉnh ta hiện còn khá lớn, hoạt động chuyển nhượng bất động sản (nhà, đất), đăng ký ô tô, xe máy có xu hướng giảm. Đặc biệt, việc Chính phủ ban hành Quyết định không tính thuế GTGT đối với mặt hàng nông, lâm, thủy sản chưa qua chế biến hoặc chỉ chế biến thông thường, làm tác động đáng kể đến nguồn thu. Trong khi đó, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng GDP của các ngành công nghiệp, dịch vụ còn chậm; các ngành nông – lâm – ngư nghiệp vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm nội tỉnh. Đa số các DN trên địa bàn tỉnh ta đều còn ở quy mô nhỏ, hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn thấp, khả năng nộp NS không cao, nên đặt ra cho ngành Thuế không ít khó khăn, thách thức.

Phóng viên: Để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách năm nay đã được HĐND, UBND tỉnh giao, ngành Thuế có những giải pháp gì?

Đồng chí Vũ Đình Trọng: Trên cơ sở dự toán Bộ Tài chính, HĐND và UBND tỉnh giao, ngay từ đầu năm, Cục Thuế tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, như: Ra quân thu thuế, chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh kịp thời ban hành các văn bản, chỉ thị, thông báo chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương đôn đốc thu nộp thuế. Phối hợp các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách thuế mới đầy đủ, kịp thời, dễ hiểu để người nộp thuế thực hiện. Chỉ đạo các Chi Cục thuế thực hiện lập bộ, duyệt bộ thuế, chú trọng công tác đối thoại, giải quyết khiếu nại, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN và người nộp thuế, để các đối tượng thực hiện tốt nghĩa vụ nộp NS.

Cùng với đó, ngành tiếp tục đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu, chống gian lận thuế, tăng cường giám sát việc kê khai nộp thuế của các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, khai thác tài nguyên khoáng sản, kinh doanh bất động sản, để thu đúng, thu đủ các khoản thuế. Phối hợp chặt chẽ với Kho bạc nhà nước các cấp, các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng cung cấp, trao đổi thông tin để thu hồi nợ thuế thông qua tài khoản của các DN hoặc tài sản thế chấp tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Tiếp tục rà soát, tăng cường thu thập thông tin nhằm phát hiện các tổ chức, các nhân kinh doanh chưa đăng ký thuế để đưa vào quản lý; đồng thời kiên quyết xử lý các DN không nộp, chậm nộp hồ sơ khai thuế. Ngoài ra, ngành còn thành lập các tổ đôn đốc thu nộp các khoản thuế có thời gian nợ dưới 90 ngày và xử lý nghiêm đối với các hành vi gian lận, lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT để gian lận, phấn đấu khống chế tỷ lệ nợ thuế đến cuối năm không vượt quá 5% trên tổng số thu ngân sách.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!