Nguy cơ về một cuộc chiến toàn diện giữa Nga, Ukraine và phương Tây

Thỏa thuận ngừng bắn Minsk được ký kết hồi tháng 9-2014 giữa Nga, Ukraine, lực lượng đòi liên bang hóa với trung gian là Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đang tiến gần bờ vực đổ vỡ. Các cuộc xung đột với tần suất ngày càng dày đặc tại miền Đông Ukraine, đã cho thấy nguy cơ về một cuộc chiến lan rộng càng trở nên rõ ràng. Châu Âu đứng trước những bất ổn đáng lo ngại nhất kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc.

* Xung đột lại leo thangSau khi Chính quyền Kiev tuyên bố tiến hành cuộc tấn công tổng lực, vào tuần trước, người đứng đầu Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk (Đô-nhét-xcơ, DPR) Aleksandr Zakharchenko (A-lếch-xan-đơ Da-kha-tren-cô) cũng tuyên bố sẽ không tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình và lên kế hoạch mở rộng thêm vùng đất chiếm đóng. Ngày 24-1-2015, tại thành phố cảng Mariupol (Ma-ri-u-pôn), hiện do lực lượng chính phủ kiểm soát, lực lượng đòi độc lập ở miền Đông đã tiến hành vụ nã rốckét khiến 30 dân thường thiệt mạng và 95 người bị thương. Hội đồng thành phố Donetsk cho biết các vụ pháo kích trong 3 ngày qua tại đây đã khiến 2 dân thường thiệt mạng và 15 người khác bị thương. Đạn pháo cũng đã rơi trúng một trạm điện tại khu hầm mỏ Zasyadko, khiến khoảng 500 thợ mỏ làm việc tại mỏ than này bị mắc kẹt dưới lòng đất. Quân đội Ukraine cáo buộc lực lượng đòi độc lập tại miền Đông đã tấn công vào các vị trí của quân đội chính phủ Ukraine đóng ở phía Đông của Mariupol và chiếm đóng các vị trí chiến lược làm 9 binh lính thiệt mạng và 30 người khác bị thương buộc phía chính quyền Ukraine phải tăng cường lực lượng đến Mariupol. Trong khi đó, lực lượng đòi độc lập khẳng định quân chính phủ đã tiến hành 28 cuộc tấn công trong cùng thời gian này. Phó chỉ huy lực lượng đòi độc lập vùng Donetsk, Eduard Basurin (Ê-đu-át Ba-xu-rin) cho biết, quân đội chính phủ đã bị đánh bật ra khỏi vùng ngoại ô Maryinka (Ma-ri-in-ca) và trung tâm thành phố Pesky (Pê-xki) gần sân bay Donetsk, nơi các cuộc giao tranh diễn ra thường xuyên trong những ngày qua. Cả hai phía giao tranh đều xác nhận lực lượng đòi độc lập đang bao vây Debaltsevo (Đê-ban-xê-vô), thành phố nhỏ nằm giữa 2 tiền đồn chính của họ là Donetsk và Luhansk (Lu-gan-xcơ). Mục tiêu sắp tới của lực lượng đòi độc lập là kiểm soát toàn bộ vùng Donetsk, bao gồm các trung tâm đông dân cư do quân chính phủ kiểm soát, như cảng Mariupol. Các thành phố Debaltsevo và Vuhlehirsk cũng đều bị tấn công dữ dội.

Trước nguy cơ xung đột leo thang nghiêm trọng tại khu vực miền Đông, ngày 26-1, chính quyền trung ương Ukraine đã ra lệnh áp đặt tình trạng báo động cao trên toàn bộ lãnh thổ nước này. Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk (Ác-xê-ni Y-a-xê-ni-úc), cho biết theo luật Bảo vệ công dân Ukraine, chính phủ Kiev đã thông qua quyết định áp đặt trình trạng khẩn cấp cấp nhà nước. Cụ thể, thực thi chế độ tình trạng khẩn cấp tại hai tỉnh Donetsk và Lugansk, và ban bố tình trạng báo động cao trên cả nước. Ngoài ra, Ukraine cũng tuyên bố thành lập các Ủy ban Tình trạng khẩn cấp khu vực.Ngay sau khi Ukraine ban bố tình trạng báo động cao trên toàn bộ lãnh thổ, Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cũng thông báo về một kế hoạch thống kê tất cả các hầm trú ẩn tiềm năng. Trong khi đó, lượng vũ khí và binh sĩ được cả quân đội Ukraine và lực lượng ly khai điều động tăng cường tới khu vực giữa nước Cộng hòa Donetsk và Cộng hòa Lugansk.

* Giải pháp hòa bình còn xa vời Hy vọng cứu vãn hòa bình duy nhất là thỏa thuận Minsk có hiệu lực từ cuối năm 2014 ngày càng trở nên mong manh khi các bên liên quan dường như không tỏ ra thiện chí thực thi các cam kết. Những động thái trong vài ngày qua là lời cảnh báo tình trạng căng thẳng sẽ leo thang khó lường. Ngày 27-1, Quốc hội Ukraine thông qua tuyên bố coi Nga là một "nước xâm lược", kêu gọi quốc tế áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Nga và tăng thêm viện trợ cho Kiev. Đồng thời đề nghị Hội đồng Nghị viện châu Âu (PAC) hạn chế quyền hạn của phái đoàn Nga tại cơ quan này cho đến khi Moskva dừng "bỏ qua những yêu cầu của cộng đồng dân chủ". Ukraine kêu gọi các đối tác nước ngoài cung cấp viện trợ quân sự để tăng khả năng phòng thủ và hỗ trợ nhân đạo cho dân thường bị ảnh hưởng và những người di tản. Quốc hội Ukraine cũng đề nghị cộng đồng quốc tế đưa Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk vào danh sách các tổ chức khủng bố. Tại cuộc họp bất thường của Hội đồng NATO – Ukraine ở Brussels, Bỉ, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg (Gien Xtôn-ten-bớc) cho rằng, hiện không có giải pháp quân sự cho xung đột tại Ukraine và kêu gọi các bên tham chiến hãy làm hết sức mình để giải quyết tình hình theo thỏa thuận Minsk. Người đứng đầu NATO cũng cáo buộc trách nhiệm của quân nổi dậy khiến xung đột trở nên trầm trọng hơn tại Donbass. Đồng thời lên án bạo lực leo thang do quân ly khai được Nga hậu thuẫn gây ra trên ranh giới ngừng bắn tại miền Đông. Ông Jens Stoltenberg khẳng định, trong mấy tuần qua Nga đã cung cấp hàng trăm đơn vị thiết bị hiện đại bao gồm hệ thống tên lửa, pháo hạng nặng, xe tăng, xe bọc thép và vũ khí điện tử cho quân nổi dậy. Nghiêm trọng hơn, Tổng thống Mỹ Barack Obama (Ba-rắc Ô-ba-ma) đã đổ lỗi cho Nga làm gia tăng các cuộc xung đột gần đây giữa quân đội chính quyền Ukraine và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông. Ông Obama tuyên bố Mỹ sẽ cân nhắc thêm các lựa chọn để gia tăng sức ép đối với Moskva trong vấn đề này. Tổng thống Mỹ cho rằng sẽ không có lợi cho Mỹ nếu nước này bị cuốn vào cuộc xung đột quân sự với Nga. Tuy nhiên, điều Mỹ có thể làm là tiếp tục hỗ trợ chính quyền Ukraine kiểm soát các vùng lãnh thổ của mình, tăng sức ép kinh tế bằng các biện pháp trừng phạt và cô lập ngoại giao đối với Nga. Người đứng đầu Nhà Trắng đã cáo buộc Nga viện trợ vũ khí, tài chính và huấn luyện quân đội cho lực lượng đòi độc lập tại miền Đông Ukraine. Đại diện thường trực Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power (Xa-man-tha Pao-ơ) cáo buộc Nga và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine làm căng thẳng gia tăng. Bà cho rằng mục đích của Nga là chiếm thêm lãnh thổ và đẩy biên giới do Nga kiểm soát vào sâu Ukraine. Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã chỉ thị cho ngoại trưởng các nước thành viên xem xét một loạt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga trong cuộc họp diễn ra tại Brussels vào hôm nay (29-1). Trong một tuyên bố chung ngày 27-1, lãnh đạo chính phủ 28 nước thành viên EU nêu rõ: "Chúng tôi bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh và nhân đạo ngày càng xấu đi ở miền Đông Ukraine.

Chúng tôi lên án hành động sát hại dân thường do nã đạn pháo bừa bãi vào thành phố Mariupol của Ukraine hôm 24-1". Đại diện Ukraine, Anh, Pháp và một số nước khác cũng đã lên án Nga hậu thuẫn lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine và kêu gọi Nga không hỗ trợ lực lượng này.Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin (Vla-đi-mia Pu-tin) đã một lần nữa bác bỏ mọi cáo buộc của phương Tây và cáo buộc tình trạng bạo lực gia tăng tại miền Đông Ukraine là do chính quyền Kiev “trấn áp bạo lực” khu vực. Các nghị sĩ tại Hạ viện Nga khẳng định sẽ xem xét các biện pháp thiết thực để đối phó với bất cứ biểu hiện nào của chủ nghĩa bài Nga, mưu toan gây áp lực lên Nga bằng các biện pháp trừng phạt sẽ không buộc được Nga thay đổi lập trường. Nga sẵn sàng tham gia mọi công thức đàm phán nhằm giải quyết cuộc xung đột Ukraine, đồng thời kêu gọi đối thoại trực tiếp giữa Kiev với Donesk và Lugansk. Nga cũng đang tích cực đối thoại với các đối tác, trong đó có Nhóm Normandy (Nga, Pháp, Đức và Ukraine).Khi miền Đông Ukraine vẫn chìm trong khói lửa, khi Nga và Phương Tây vẫn đang hàng ngày chỉ trích, đổ lỗi và trừng phạt lẫn nhau, có lẽ không ai dám khẳng định rằng, cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ kết thúc trong tương lai gần. Hòa bình vẫn còn là giấc mơ xa vời đối với người dân Ukraine.

Theo TTXVN