Quân và dân Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm tham gia chiến đấu giải phóng Ninh Thuận tháng 4-1975

(NTO) Phan Rang-Tháp Chàm là tỉnh lỵ và trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh Ninh Thuận. Phía Bắc giáp huyện Bác Ái và huyện Ninh Hải, phía Nam giáp huyện Ninh Phước, phía Tây giáp huyện Ninh Sơn và phía Đông giáp Biển Đông. Có diện tích tự nhiên 7.917.74 ha, chiếm 2,36 % diện tích tự nhiên toàn tỉnh; có 16 đơn vị hành chính phường, xã (15 phường và 1 xã). Đến năm 2013, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm có dân số 167.000 người, mật độ dân số trung bình trên 2.100 người/km2; có 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Kinh chiếm 98,7%, các dân tộc thiểu số chiếm 2,2%; tín đồ các tôn giáo chiếm 12% dân số.

Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm có quốc lộ 1A và đường sắt Bắc-Nam chạy qua; là điểm xuất phát của quốc lộ 27 đi Lâm Đồng; có ga đường sắt Tháp Chàm và sân bay quân sự Thành Sơn. Từ trung tâm thành phố về hướng Bắc hơn 20 km và hướng Nam gần 40 km là hai cửa ngõ được che chắn bởi những dãy núi cao lan ra sát biển, cùng với đèo Ngoạn Mục ở hướng Tây đã tạo cho Phan Rang–Tháp Chàm một thế phòng thủ hiểm yếu khi nói đến lĩnh vực quốc phòng.

Ở thị xã Phan Rang-Tháp Chàm, địch tung hàng trăm quân, với sự yểm trợ của máy bay và pháo binh, liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét vào các vùng giáp ranh và vùng tranh chấp nhằm chiếm lại những vùng ta đã làm chủ trước khi có Hiệp định Pa-ri. Ngoài ra, với thủ đoạn chiến tranh tâm lý, địch ra sức bưng bít, xuyên tạc Hiệp định Pa-ri, chống chính sách hòa hợp và hòa giải dân tộc, trắng trợn phá hoại Hiệp định Pa-ri. Chúng tăng cường truy lùng đánh phá các cơ sở cách mạng của thị xã. Ngoài ra, địch thường xuyên cho quân vây ép căn cứ núi Cà Đú, kiểm soát gắt gao đường vào nội thị, nhằm cắt đứt liên lạc và tiếp tế của ta từ ngoài vào. Phong trào đấu tranh của quân và dân Phan Rang-Tháp Chàm thời gian này gặp nhiều khó khăn, thử thách.

Tuy cơ sở cách mạng ở nội thị bị địch truy lùng gắt gao, nhưng ở Xóm Dừa (phường Đô Vinh), mạng lưới cơ sở vẫn được duy trì và phát triển. Biết Xóm Dừa là địa bàn do ta làm chủ nên địch đưa một trung đội dân vệ về đóng chốt tại đây. Trước tình hình này, cán bộ và cơ sở của ta tổ chức hướng dẫn quần chúng đấu tranh, qua đó, lôi kéo được một số binh lính đi theo cách mạng, đồng thời ngăn cản không cho chúng truy lùng cán bộ của ta. Dựa vào cơ sở ở Xóm Dừa, Thị ủy Phan Rang–Tháp Chàm đã chỉ đạo móc nối, gây dựng lại cơ sở ở các địa bàn như: Tháp Chàm, Phước Đức, Mỹ Đức và từng bước nối liên lạc với địa bàn Phan Rang.

Mặc dù địch tăng cường phong tỏa, đánh phá ác liệt, cơ quan Thị ủy Phan Rang-Tháp Chàm, các đội công tác, mũi công tác, đội biệt động vẫn bám trụ tại căn cứ núi Cá Đú để chỉ đạo tổ chức các hoạt động bên trong thị xã. Các cơ sở cách mạng, những quần chúng giác ngộ, bằng nhiều hình thức vẫn giữ được liên lạc và tiếp tế những thứ cần thiết cho căn cứ núi Cà Đú. Cuối năm 1974, đầu năm 1975, các đội mũi công tác của ta liên tục bám vào bên trong thị xã, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, nhằm phát triển lực lượng cách mạng, chờ thời cơ.

Những tháng đầu năm 1975, quân và dân Ninh Thuận triển khai kế hoạch hoạt động có nhiều thuận lợi hơn trước. Các lực lượng vũ trang tổ chức đánh địch trong đồn bót, trong ấp chiến lược và bọn địch bung ra ngoài đạt nhiều kết quả. Tại thị xã Phan Rang-Tháp Chàm, đêm ngày 14, rạng sáng ngày 15-1-1975, lực lượng vũ trang của tỉnh tiến công sân bay Thành Sơn, phá hủy 6 máy bay phản lực, diệt và làm bị thương 25 phi công và nhân viên kỹ thuật. Tính chung, trong 3 tháng đầu năm 1975, các lực lượng vũ trang đã đánh 92 trận, tiêu diệt và làm bị thương 170 tên, diệt 1 trung đội dân vệ, bức rút các điểm lấn chiếm, mở rộng vùng làm chủ, tạo thế áp sát vùng địch. Trong các trận tiến công trên, lực lượng Biệt động 314 Phan Rang và các đội công tác, du kích phường, xã tích cực phối hợp tham gia chiến đấu, trinh sát nắm tình hình, dẫn đường hoặc công tác vận tải, cứu thương.

Sau những thất bại liên tiếp ở chiến trường Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng và các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ, Chính quyền Sài Gòn gấp rút thành lập tuyến phòng thủ Phan Rang để bảo vệ Sài Gòn từ xa. Chúng gom quân, tướng ở 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận để hình thành các đơn vị với đủ mọi sắc lính, quân số lên đến hơn 10 ngàn tên, có sự yểm trợ tối đa của không quân, hải quân, pháo binh, để quyết tử thủ tại Phan Rang. Bộ Tư lệnh tiền phương của Quân đoàn III do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi làm Tư lệnh và Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang làm Phó Tư lệnh, đóng Sở Chỉ huy tại sân bay Thành Sơn. Với lực lượng hiện có, tướng Nghi và Quân lực Việt Nam cộng hòa tin tưởng rằng: Phan Rang sẽ là “lá chắn thép” mà Việt Cộng khó có thể xuyên thủng.

Ngày 2-4-1975, Ngụy quân ở Đà Lạt, Tuyên Đức ào ào rút chạy về Phan Rang, làm cho tình hình hỗn loạn. Lo sợ quân ta tiến công vào Phan Rang nên một bộ phận quân địch ở chi khu Ninh Thuận hốt hoảng rút chạy bằng đường biển, hoặc vào hướng Bình Thuận; thị xã Phan Rang-Tháp Chàm hoàn toàn bị bỏ ngỏ trong ngày 2 và ngày 3-4. Lợi dụng tình hình này, binh lính địch các nơi chạy về thị xã, đã cướp phá của cải, tài sản của nhân dân, làm cho tình hình hết sức hỗn loạn. Tuy nhiên, đến ngày 4-4, địch đưa quân trở lại thị xã Phan Rang-Tháp Chàm và sân bay Thành Sơn.

Về ta, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đã bước vào cao điểm. Tỉnh ủy Ninh Thuận ra chỉ thị cho Thị ủy Phan Rang-Tháp Chàm: “Thời cơ đã đến, thị xã Phan Rang-Tháp Chàm dốc hết quân, dân nổi dậy tiến công và giải phóng địa phương; sẵn sàng đón và đưa đường để “đại quân” ta giải phóng thị xã Phan Rang, sân bay Thành Sơn và toàn tỉnh Ninh Thuận.

Trước diễn biến nhanh chóng của tình hình, tối ngày 3-4-1975, đồng chí Trần Minh, Bí thư Thị ủy Phan Rang-Tháp Chàm cùng với 18 chiến sỹ đặc công từ xã Phước Trung tập kết về Xóm Dừa. Lực lượng biệt động 314 thị xã trước đó cũng từ căn cứ núi Cà Đú bí mật chuyển vào, ém quân ở đây. Tối ngày 6-4-1975, đồng chí Trần Minh chủ trì cuộc họp với cán bộ, chiến sỹ và đảng viên Xóm Dừa bàn kế hoạch khởi nghĩa nhằm giải phóng Tháp Chàm, lập chính quyền ở đây và sau đó tiến xuống giải phóng Phan Rang. Cuộc họp đã thống nhất phương châm hoạt động lấy chính trị và binh vận làm chính, vận động binh lính, tề điệp đứng về phía cách mạng, vũ trang hỗ trợ. Nhiệm vụ trước mắt là tiêu diệt 2 trung đội phòng vệ dân sự và tước hết vũ khí của chúng. Cuộc họp nhất trí thông qua quyết định thành lập Ban Chỉ huy thống nhất do đồng chí Trần Minh làm Chính trị viên, các đồng chí Phạm Ngọc Thắng và Nguyễn Trọng Nghĩa phụ trách quân sự.

Chiều ngày 7-4-1975, lợi dụng lúc địch hoang mang rối loạn, lực lượng ta bung ra khống chế bọn tề điệp, diệt ác ôn và dân vệ ở đây. Đến 19 giờ, ngày 7-4-1975, Đại đội đặc công 311 của tỉnh cùng lực lượng biệt động 314 của thị xã, các đội vũ trang công tác, du kích mật, các đảng viên cơ sở nòng cốt và một số dân vệ, phòng vệ dân sự (được ta giác ngộ) tổ chức tiến công trại Nguyễn Hoàng, ga Tháp Chàm, cầu Móng, ngã ba Tháp Chàm và quận lỵ Bửu Sơn… Trước khí thế tiến công mạnh mẽ và bất ngờ của lực lượng ta, bọn địch hạ vũ khí đầu hàng, một số tên cố chạy thoát vào sân bay Thành Sơn và xuống Phan Rang. Ta bắt sống và làm tan rã hàng trăm tên, thu nhiều vũ khí và làm chủ khu vực từ ngã ba Tháp Chàm đến trại Nguyễn Hoàng.

Đúng như ta dự đoán, ngày 8-4-1975, địch ở sân bay Thành Sơn ra, từ Phan Rang lên và từ Cầu Móng sang, có cả xe tăng và pháo binh yểm trợ, tổ chức phản kích. Lực lượng chiến đấu của ta được nhân dân Tháp Chàm giúp đỡ, đã chiến đấu ngoan cường, đánh trả và đẩy lùi 16 đợt phản kích của địch. Gần 2 ngày đêm chiến đấu, lực lượng tại chỗ của ta đã tiêu diệt và làm bị thương hơn 100 tên, bắt sống 11 tên (có 1 đại úy và 1 trung úy), làm rã ngũ hàng trăm tên, bắn cháy 5 xe tăng và xe bọc thép, thu 2 xe GMC, 150 súng, 10 máy thông tin PRC-25. Tuy nhiên, do lực lượng địch đông, lực lượng ta có hạn, một số bị thương vong nên trong đêm ngày 8-4-1975, Ban Chỉ huy quyết định chuyển lực lượng chiến đấu và thương binh về căn cứ núi Cà Đú để củng cố.

Để mau chóng đập tan tuyến phòng ngự từ xa của địch, mở đường cho quân ta tiến vào Nam, ngày 12-4-1975, Bộ Tư lệnh Cánh quân Duyên Hải quyết định sử dụng Sư đoàn 3 Sao Vàng (Quân khu 5) và Trung đoàn 25 Tây Nguyên (Mặt trận B3) tiến công tuyến phòng thủ Phan Rang.

Sáng ngày 14-4-1975, tiếng pháo công kích của quân ta bắt đầu nổ, trùm bão lửa lên các vị trí của địch ở Bà Râu, Suối Đá, Kiền Kiền, Ba Tháp, Núi Đất và sân bay Thành Sơn... Sau đợt pháo kích, mũi tiến công của Trung đoàn 2 (Sư đoàn 3) tấn công đánh chiếm Bà Râu, Kiền Kiền, Suối Vang, Suối Đá. Mũi Trung đoàn 141 (Sư đoàn 3) đột kích vào cửa ngõ Du Long. Trên hướng Tây thị xã Trung đoàn 25 bộ binh đánh chiếm một số vị trí ở ngoại vi sân bay Thành Sơn và đẩy lùi một số đợt phản kích của Lữ đoàn dù.

Cùng phối hợp tiến công với bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang tỉnh, Thị ủy Phan Rang–Tháp Chàm lãnh đạo các đội mũi công tác và lực lượng du kích ở Xóm Dừa cùng với nhân dân làm công tác binh vận, kêu gọi một số con em đang trong hàng ngũ địch bỏ ngũ, quay về với gia đình và giúp cách mạng chuẩn bị nổi dậy cướp chính quyền. Lực lượng biệt động 314 đóng tại Cà Đú sẵn sàng đánh địch rút chạy từ Du Long vào, mở đường cho các mũi tiến công của quân chủ lực đánh chiếm vào trung tâm thị xã, Chi khu Ninh Chử, Tháp Chàm.

Để tạo đòn tiến công bất ngờ và quyết định, Tư lệnh Cánh quân Duyên Hải tăng cường thêm Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325) và Tiểu đoàn xe tăng, cùng với Sư đoàn 3 và Trung đoàn 25 mở cuộc tiến công vào các điểm phòng ngự còn lại của địch ở dọc tuyến đường quốc lộ 1 từ Gò Đền đến thị xã Phan Rang và sân bay Thành Sơn.

5 giờ sáng, ngày 16-4-1975, lực lượng chủ lực ta trên ba mũi đồng loạt tiến công địch vào trung tâm thị xã, sân bay Thành Sơn và quận lỵ Thanh Hải, Ninh Chử. Bên trong, lực lượng vũ trang thị xã sẵn sàng phối hợp với quân chủ lực và của tỉnh đánh địch. Đội Biệt động 314 phối hợp với đơn vị 311 đặc công tỉnh tại núi Cà Đú chặn đánh địch rút chạy trên đường 1 vào thị xã và xuống Ninh Chử, gây cho chúng nhiều thiệt hại; đồng thời cử lực lượng dẫn đường cho quân chủ lực tiến công các hướng vào trung tâm thị xã, chiếm lĩnh Tòa Hành chính Ngụy tại Ninh Thuận và các khu vực khác trong thị xã.

Trên hướng Tháp Chàm, du kích Xóm Dừa bung ra cùng chủ lực vây bắt bọn tàn quân chạy từ sân bay Thành Sơn ra, với ý định xuống Ninh Chử để thoát bằng đường biển hoặc máy bay trực thăng ứng cứu. Tuy nhiên, với sự mưu trí, lực lượng du kích Xóm Dừa đã dồn địch, bỏ xe thiết giáp, vào khu ruộng mía và khẩn báo cho lực lượng chủ lực và tỉnh vây bắt hàng trăm tên ngoan cố trốn chạy vào đêm ngày 16-4-1975, trong đó có Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang cùng các sỹ quan tùy tùng tại mương Tà Liêm, Phước Đức (nay thuộc phường Phước Mỹ).

Trong lúc tình hình chiến sự xảy ra ác liệt, được sự hướng dẫn của cán bộ cơ sở, quần chúng nhân dân thị xã Phan Rang–Tháp Chàm nổi dậy phối hợp truy bắt tù binh, thu giữ vũ khí, giữ gìn an ninh trật tự… Công nhân nhà máy điện Tháp Chàm tự thu nhặt vũ khí, hình thành một trung đội tự vệ chiếm giữ và bảo vệ nhà máy. Thị xã Phan Rang–Tháp Chàm hoàn toàn giải phóng, ngay trong đêm ngày 16-4-1975, cơ quan Tỉnh ủy và các ban, ngành của tỉnh từ Tân Mỹ (Ninh Sơn) tiến về tiếp thu, tiếp quản thị xã Phan Rang–Tháp Chàm, đồng thời chỉ đạo thành lập Ủy ban quân quản thị xã nhằm giữ gìn an ninh trật tự, ổn định đời sống nhân dân. Đồng thời tiếp tục lãnh đạo nhân dân nhanh chóng quyên góp lương thực, xăng dầu, phương tiện để chi viện, tiếp tế cho bộ đội chủ lực tiếp tục tiến quân vào giải phóng Sài Gòn.

Chiến thắng Phan Rang ngày 16-4-1975 đã ghi nhận thêm bước tiến mới, chiến công mới của quân đội ta về sức mạnh và nghệ thuật tiến công tập đoàn phòng ngự của địch bằng lực lượng binh chủng hợp thành. Đồng thời, ghi nhận thêm chiến công to lớn của lực lượng vũ trang tỉnh Ninh Thuận nói chung và của quân và dân thị xã Phan Rang–Tháp Chàm nói riêng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Chiến thắng ngày 16-4-1975, quân và dân thị xã Phan Rang–Tháp Chàm cùng với quân và dân trong tỉnh phối hợp với quân chủ lực đập tan “lá chắn thép” Phan Rang, tuyến phòng thủ Sài Gòn từ xa của địch, giải phóng thị xã Phan Rang–Tháp Chàm và tỉnh Ninh Thuận. Đây là chiến thắng có ý nghĩa hết sức quan trọng, mở đường cho quân chủ lực của ta nhanh chóng tiến công giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.