“Thắp sáng đường quê” – Cách làm của Tà Dương

(NTO) Thôn Tà Dương (xã Phước Thái, huyện Ninh Phước) có 134 hộ/607 nhân khẩu. Từ khi có điện về phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, diện mạo của thôn ngày càng đổi thay, đời sống đồng bào Raglai không ngừng vươn lên.

Trở lại thôn Tà Dương vào những ngày người dân nơi đây đang tích cực chuẩn bị các hoạt động chào mừng 40 năm Ngày quê hương Ninh Thuận giải phóng (16/4/1975- 16/4/2015), chúng tôi nghe bà con phấn khởi kể lại câu chuyện “Thắp sáng đường quê” được coi là thành tích lớn, góp phần thay đổi diện mạo của thôn trong những năm qua.

Thôn Tà Dương hôm nay.

Để làm được điều này Ban Quản lý (BQL) thôn cùng với già làng, trưởng tộc, người có uy tín… đã tổ chức tuyên truyền, vận động cho người dân biết về hiệu quả của việc thắp sáng đường quê. Nhận được sự đồng thuận của người dân, mỗi hộ đóng 40.000 đồng để mua các vật dụng như bóng đèn hình chữ U, dây diện, chi trả tiền công thợ… để lắp đặt. Đến nay, trên các tuyến đường nội bộ thôn đã lắp đặt 20 bóng đèn chiếu sáng tiết kiệm điện, thuận lợi cho việc đi lại vào ban đêm của người dân trong thôn. Để duy trì hệ thống này, phục vụ nhu cầu của người dân, 100% hộ dân nhất trí thành lập 2 tổ thu mỗi hộ 5.000 đồng/tháng để chi trả chi phí sử dụng điện chiếu sáng, số tiền dư được nộp vào quỹ do Trưởng thôn quản lý, dùng vào chi phí thay bóng đèn bị hư hỏng, dây diện bị đứt…

Già làng Vi Môn Tơ nói: Khi nghe thôn triển khai thực hiện công trình “Thắp sáng đường quê”, với cương vị của mình, tôi đã tuyên truyền, vận động và bà con thấy được cái lợi, nên tích cực đóng góp tiền của để cùng BQL thôn nhanh chóng thực hiện.

Bóng đèn thắp sáng đường quê.

Theo Trưởng thôn Ja Ghe Hoàng Thọ, bà con Tà Dương chủ yếu làm rẫy, làm ruộng, vì thế, việc người dân dậy sớm, vác cuốc ra đồng cho đến khi tối mịt mới trở về nhà là chuyện thường ngày. Trước đây, chưa có hệ thống đèn chiếu sáng trong thôn, người dân rất ngại việc đi lại thăm hỏi nhau, trừ khi có chuyện gấp. Nhưng từ khi có đèn chiếu sáng khắp thôn, bà con rất an tâm trong sinh hoạt, đi lại. Tình trạng trộm cắp giảm, các tai tệ nạn xã hội được đẩy lùi.

Cùng dạo một vòng với anh Ja Lê Chính, Phó trưởng thôn vào buổi chiều tối, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay lớn ở vùng nông thôn này là hình ảnh trẻ em vui chơi, nô đùa dưới ánh đèn sáng khắp thôn; cánh trai làng í ới đến nhà nhau trao đổi kinh nghiệm sản xuất hay tập văn nghệ… không khí vui tươi hẳn.

Hiện tại, đường giao thông nội thôn đã được làm bê-tông thông thoáng. Những năm gần đây, thông qua Dự án Hỗ trợ Tam nông, đời sống của đồng bào Tà Dương ngày càng khấm khá. Đã thành lập 2 nhóm cùng sở thích gồm 60 hộ thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản. Trong số 7 hộ được hỗ trợ 12 con bò cái từ Dự án, có hộ, bò mẹ đã sinh bê con. Người dân được tập huấn, áp dụng phương thức nuôi luân chuyển theo mô hình Heifer. Theo dự kiến, khoảng tháng 5 và tháng 6 năm nay, tất cả số bò cái do Dự án hỗ trợ sẽ được tiếp tục chuyển giao cho 10 hộ liền kề. Như vậy, chỉ vài năm nữa, tổng số đàn bò tại các hộ dân ở Tà Dương sẽ được nâng lên đáng kể.