Thế giới trong tuần

 1. Thỏa thuận khung nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc cùng với Đức) và Iran về vấn đề hạt nhân vừa đạt được nền tảng chính trị quan trọng cho một “cơ hội nghìn năm có một” và sẵn sàng nhượng bộ để đáp ứng hạn chót (ngày 30-6 tới) nhưng cả Mỹ và Iran vẫn sẵn sàng “kế hoạch B”. Người phát ngôn Nhà trắng Josh Earnest khẳng định các lệnh trừng phạt sẽ không gỡ bỏ ngay lập tức, mà Mỹ sẽ từng bước nới lỏng các biện pháp trừng phạt, khi đã đạt được thỏa thuận cuối cùng về cách thức ngăn chặn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân. Tehran cũng cảnh báo sẽ ngay lập tức nối lại các hoạt động hạt nhân, nếu phương Tây thiếu thái độ tôn trọng hoặc rút khỏi thỏa thuận.

 

Hạn chót đang đến gần và sự phản đối mạnh mẽ của Israel cũng như từ chính nội bộ Mỹ và Iran khiến đích đến bị đẩy xa hơn. Bởi thế, các “kế hoạch B” không ngoài mục tiêu trấn an những ý kiến phản đối thỏa thuận này.

2. Đề xuất thành lập một lực lượng quân sự chung của cộng đồng Arab đã chính thức được thảo luận tại Hội nghị cấp cao liên đoàn các nước Arab (AL) vừa diễn ra tại Ai Cập. Ý tưởng này từng được đưa ra cách đây 7 năm, nay chủ đề này trở thành vấn đề thời sự và cấp bách, bởi xung đột và khủng bố lan rộng đe dọa an ninh và sự tồn vong của một loạt nước như Syria, Libya và Yemen.

Các nước thừa nhận tính cấp thiết của hợp tác quân sự đa quốc gia này nhằm đối phó các lực lượng cực đoan như nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS), Tổ chức Al Qaeda trên bán đảo Arab hay phiến quân Huthi… nhưng còn quá nhiều việc cần phải làm để biến ý tưởng này thành hiện thực. Hợp tác lâu nay trong cộng đồng Arab rất đa dạng, nhưng luôn bị cản trở bởi bất đồng đan xen và dai dẳng. Thực tế, dù được bàn thảo kỹ lưỡng nhưng nhiều thỏa thuận vẫn không được phê chuẩn, thậm chí được phê chuẩn nhưng không được triển khai. Không loại trừ khả năng, tham vọng mới của khối Arab sẽ rơi vào tình cảnh tương tự.

3. Trước thềm Hội nghị cấp cao Tổ chức các nước Châu Mỹ (OAS) diễn ra tại Panama, Tổng thống Mỹ B.Obama cam kết sau khi nhận được bản đánh giá từ Bộ Ngoại giao Mỹ, sẽ sớm quyết định việc đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố, mấu chốt trong đàm phán bình thường hóa quan hệ hai nước hiện nay. Nhà trắng cũng xác nhận, ông Obama sẽ “tiếp xúc” Chủ tịch Cuba Raul Castro khi hai nhà lãnh đạo dự hội nghị cấp cao khu vực.

Sau khi tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Cuba cuối năm 2014, Tổng thống Obama đã chỉ thị tiến hành đánh giá về việc xem xét đưa Cuba ra khỏi danh sách trên.

Trong một động thái đảo ngược lập trường, Nhà trắng bất ngờ tuyên bố Venezuela không phải là mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ và việc áp đặt trừng phạt với 7 quan chức Chính phủ Venezuela không nhằm mục đích kích cộng căng thẳng hai bên. Những tuyên bố nêu trên cho thấy nỗ lực của Mỹ “làm hòa” với các nước Mỹ Latinh và xoa dịu bầu không khí chống Mỹ tại sự kiện lớn nhất bán cầu phía Tây.